Saudi Arabia ra điều kiện cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ

Saudi Arabia khẳng định sẽ chỉ xem xét tới khả năng cắt giảm sản lượng dầu mỏ nếu các nước Iran, Nga và Mỹ cũng có hành động tương tự.
Saudi Arabia ra điều kiện cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)

Hoàng tử Turki al-Faisal al-Saud - một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong Hoàng gia Saudi Arabia - khẳng định nước này sẽ chỉ xem xét tới khả năng cắt giảm sản lượng dầu mỏ nếu Iran, Nga và Mỹ cũng có hành động tương tự vì Riyadh muốn bảo vệ thị phần của mình trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Tờ Telegraph (Anh) dẫn lời của Hoàng tử Turki đang ở thăm London cho biết Saudi Arabia sẽ không lặp lại sai lầm trước đây khi để mất thị phần dầu mỏ thế giới vào tay các đối thủ của nước này.

"Vương quốc Saudi Arabia sẽ không để mất thị phần vào tay bất cứ ai tại thời điểm này và không để Nga, Iran, Nigeria hay bất cứ nước nào khác bán dầu cho các khách hàng của Saudi Arabia," ông nói.

Hoàng tử Turki - cựu Đại sứ Saudi Arabia tại Vương quốc Anh, Mỹ và là người từng đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia - đưa ra phát biểu trên chỉ vài ngày sau khi 12 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu ở mức trần 30 triệu thùng/ngày như đã thực hiện trong ba năm nay.

Ông Turki cũng nói thêm rằng Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác sẽ chỉ xem xét việc điều chỉnh sản lượng nếu như các thành viên OPEC khác tuân thủ hạn ngạch của tổ chức này và chấm dứt ngay các thỏa thuận xuất khẩu dầu không minh bạch với biện minh là nhằm vào đối thủ Iran.

Phát biểu của ông Turki cho thấy Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - hiện đang bị kẹt trong cuộc chiến giá với với Nga, Iran và các công ty khai thác dầu từ đá phiến ở Bắc Mỹ. Giá dầu thế giới đã giảm tới hơn 30% kể từ tháng 6/2014 xuống mức khoảng 70 USD/thùng.

Một số nhà phân tích nhận định giá dầu có thể giảm sâu xuống mức 40 USD/thùng trong tương lai.

Theo Hoàng tử Turki, Saudi Arabia đã tích lũy được khá nhiều ngoại tệ trong vài năm gần đây đủ để đáp ứng nhu cầu của nước này trong khi các nước sản xuất dầu lớn khác như Nga và Iran vẫn đang cần một mức giá nhất định để duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Trước thời điểm diễn ra cuộc họp của OPEC hôm 27/11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng lên tiếng cảnh báo rằng nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm mạnh do giá giảm sâu.

Ông Siluanov cho biết, mỗi năm Nga có thể thiệt hại tới 40 tỷ USD do các các biện pháp trừng phạt của phương Tây và mất từ 90-100 tỷ USD do giá dầu giảm tới 30% như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.