Saudi Arabia, UAE bác bỏ thông tin OPEC+ thảo luận tăng sản lượng

Saudi Arabia và UAE bác bỏ thông tin OPEC+ đang thảo luận việc tăng sản lượng dầu mỏ, đồng khẳng định rằng thỏa thuận hiện tại của nhóm này về cắt giảm sản lượng sẽ được duy trì cho đến hết năm 2023.
Saudi Arabia, UAE bác bỏ thông tin OPEC+ thảo luận tăng sản lượng ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở thị trấn al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 21/11 đã bác bỏ thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đang thảo luận việc tăng sản lượng dầu mỏ, đồng khẳng định rằng thỏa thuận hiện tại của nhóm này về cắt giảm sản lượng sẽ được duy trì cho đến hết năm 2023.

Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết OPEC+ sẽ thảo luận việc tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp vào ngày 4/12 tới.

[Giá dầu thế giới giảm sau khi OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu]

Hãng thông tấn SPA dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman "dứt khoát bác bỏ" thông tin về khả năng tăng sản lượng.

Ông nêu rõ “việc cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày hiện tại của OPEC+ sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023 và nếu cần thực hiện các biện pháp tiếp theo bằng cách giảm sản lượng để cân bằng cung và cầu, chúng tôi luôn sẵn sàng.”

Bộ trưởng Năng lượng của UAE, ông Suhail Mohamed Al Mazrouei, ngày 21/11 cũng bác bỏ thông tin nước này tham gia thảo luận cùng các thành viên khác trong OPEC+ về việc thay đổi thỏa thuận mới đây nhất của nhóm, nêu rõ thỏa thuận này có hiệu lực đến hết năm 2023.

Đăng tải trên Twitter, ông Suhail khẳng định "chúng tôi vẫn cam kết với mục tiêu của OPEC+ cân bằng thị trường dầu mỏ và sẽ ủng hộ bất cứ quyết định nào để đạt mục tiêu đó."

Giá dầu thế giới ngày 21/11 đã giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022, do dự báo nhu cầu của Trung Quốc giảm.

Các quan chức Saudi Arabia khẳng định việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ được thúc đẩy bởi các điều kiện thị trường và có thể điều chỉnh khi thị trường thay đổi nhằm duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới trước những thách thức hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.