Chiều 21/10, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức hội nghị người đại diện vốn tại doanh nghiệp và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho SCIC.
Phát biểu tại sự kiện, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong suốt quá trình 17 năm hoạt động của SCIC, vốn nhà nước đã được bảo toàn và phát triển.
SCIC đã giải ngân hơn 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư; bán vốn tại doanh nghiệp với giá trị hơn 12.400 tỷ đồng, thu về trên 51.000 tỷ đồng; doanh thu tăng gấp 49 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 77 lần, tổng tài sản tăng 11 lần; ROE 13%/năm...
SCIC đã hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và chủ động tham gia vào tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu vốn nhà nước.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, ông Hùng đề nghị SCIC sớm hoàn thiện báo cáo Thủ tướng chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 để đẩy mạnh đầu tư vốn.
Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ pháp lý, chính sách trong đầu tư kinh doanh vốn; đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn thể hiện rõ nét hơn vai trò nhà đầu tư của Chính phủ…
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SCIC, cho biết, từ khi chính thức đi vào hoạt động (1/8/2006) đến nay, tổng công ty đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước (theo vốn điều lệ) là 30.798 tỷ đồng, trong đó có 24 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa.
Tổng số vốn do SCIC làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng gần 2% tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đã bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, trong đó, bán hết vốn tại 936 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 104 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp.
Đến ngày 30/9/2022, danh mục đầu tư của tổng công ty gồm 126 doanh nghiệp, với tổng vốn theo giá trị sổ sách là 47.344 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 158.111 tỷ đồng, bao gồm: 121 công ty cổ phần; 1 công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên; 4 công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
[SCIC sắp bán đấu giá lô cổ phần VIWASEEN trị giá hơn 1.348 tỷ đồng]
Tổng công ty nắm trên 50% vốn tại nhiều tập đoàn/tổng công ty như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Điện tử tin học Việt Nam (Viettronics), Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam và 1 tập đoàn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Tính đến 30/9/2022, tổng số người đại diện là 203 người; trong đó, có 139 người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (59,15%).
Đối với một số doanh nghiệp quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, SCIC trực tiếp cử cán bộ của tổng công ty làm người đại diện và tham gia quản lý doanh nghiệp (63 người, chiếm 40,42%).
Người đại diện đã phối hợp với tổng công ty trong việc thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn tại doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân cao trên 30% như Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (35%), Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (35%), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (31%)…
Theo báo cáo của SCIC, đến nay, tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế là trên 47.800 tỷ đồng.
SCIC cho biết, số doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, xử lý tồn tại đã triển khai bán vốn thành công mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước như: Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam...
Đồng thời, tổng công ty cũng thực hiện xử lý 2 dự án kém hiệu quả trong 12 dự án thuộc ngành công thương; tham gia đầu tư vốn vào Vietnam Airlines để hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.