Scotland tiếp tục cản trở tiến trình Anh đàm phán rời EU

Scotland yêu cầu Tòa án Tối cao Anh ngăn chặn việc Thủ tướng Theresa May khởi động tiến trình đàm phán đưa Anh rời khỏi EU nếu như không có sự chấp thuận của Nghị viện Scotland.
Scotland tiếp tục cản trở tiến trình Anh đàm phán rời EU ảnh 1Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tại thủ đô London, Anh ngày 27/9. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chính quyền Scotland ngày 8/11 cho biết sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao Anh ngăn chặn việc Thủ tướng Theresa May khởi động tiến trình đàm phán đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nếu như không có sự chấp thuận của Nghị viện Scotland.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố Scotland sẽ tìm cách can thiệp vào tiến trình này thông qua tòa án, vì trước khi Chính phủ Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm đưa Anh ra khỏi EU, phải nhận được sự đồng ý của Nghị viện Scotland.

Bà Nicola Sturgeon khẳng định việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân Scotland, lấy đi của người dân và các doanh nghiệp Scotland những quyền mà họ đang được hưởng.

Theo kế hoạch, cuối tháng Ba tới, Thủ tướng Anh May sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 để đưa Anh ra khỏi EU. Lộ trình này được bà May khẳng định sẽ "không thay đổi" bất chấp phán quyết trước đó của Tòa Thượng thẩm Anh yêu cầu trao quyền cho quốc hội của nước này, chứ không phải chính phủ, thông qua việc khởi động tiến trình đàm phán Brexit.

Hiện, Chính phủ Anh cũng đang thảo luận chi tiết kế hoạch ra khỏi EU, tuy nhiên nỗ lực này dường như lại gặp thêm trở ngại sau tuyên bố của Thủ hiến Scotland.

Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Sáu vừa qua, hơn 60% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU. Do đó, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý trên với phần thắng nghiêng về phe Brexit, Thủ hiến Scotland nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.

Scotland đã có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, tuy nhiên tháng 9/2014, Scotland đã tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập, song đa số cử tri vùng này đã nhất trí tiếp tục ở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.