Sẽ chất vấn bốn ''Tư lệnh'' ngành tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Trong ba ngày chất vấn sắp tới (16-18/11), bốn “Tư lệnh” ngành Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng, Tòa án sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sẽ chất vấn bốn ''Tư lệnh'' ngành tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội ảnh 1Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 9/11, trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong ba ngày chất vấn sắp tới (16-18/11), năm thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Năm thành viên Chính phủ trả lời về bốn nhóm lĩnh vực

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời nhóm vấn đề thứ nhất về công tác quản lý thuế; trong đó tập trung vào những nội dung: giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế; chuyển giá; lĩnh vực hải quan; đảm bảo tài chính an toàn, bền vững và các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công an toàn và hiệu quả. Cùng tham gia trao đổi, làm rõ vấn đề có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng khác có liên quan. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phụ trách lĩnh vực sẽ trao đổi, báo cáo thêm.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ; đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được nhà nước xử lý và các giải pháp an toàn hiệu quả cho cả hệ thống ngân hàng, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng... sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời. Bên cạnh đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng Tài chính sẽ phối hợp làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.

[Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng trong kỳ họp thứ 4]

Nhóm vấn đề thứ ba là việc ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; hệ thống dịch vụ truyền thông; việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; các giải pháp kiểm soát thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội; định hướng thông tin tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội. Nhóm này liên quan lĩnh vực của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ trả lời. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phụ trách lĩnh vực sẽ tham gia làm rõ thêm. Cùng phối hợp trả lời với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo.

Nhóm vấn đề thứ tư là giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp... sẽ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời. Các Bộ trưởng Công an, Nội vụ, Tư pháp; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân Tối cao và Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực sẽ phối hợp làm rõ thêm.

Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời tóm tắt các nội dung chất vấn và đồng thời trả lời trước cử tri, Quốc hội những nội dung mà đại biểu Quốc hội chất vấn.


Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn khách quan

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến ngày mùng 2/11, Thường vụ Quốc hội đã nhận được 59 văn bản đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội với 115 nhóm vấn đề và có 43 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội với 53 câu chất vấn thành viên Chính phủ. Qua tổng hợp ý kiến trên nghị trường trong 2,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách, có 24 nhóm vấn đề; kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp tập trung vào 147 nhóm vấn đề liên quan.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn khách quan, theo tiêu chí là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế, xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vấn đề đã được đại biểu chất vấn, được trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu thấy không thỏa mãn... Bốn nhóm vấn đề được chọn trên cơ sở đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội và các ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; phương hướng nhiệm vụ kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 cũng như kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp.

Thời gian chất vấn của kỳ họp đã được tăng lên thành 3 ngày so với 2,5 ngày trước đây. Đây là cơ hội để đại biểu Quốc hội có thêm thời gian chất vấn thành viên Chính phủ. Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục tranh luận và tranh luận lại các vấn đề thành viên Chính phủ đã trả lời, tạo không khí sôi nổi và không chỉ tranh luận với thành viên Chính phủ mà thậm chí tranh luận cả với đại biểu Quốc hội để cùng nhau “đào sâu,” làm rõ vấn đề.


[Thủ tướng chỉ đạo 4 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm]

Trả lời băn khoăn của báo giới về lĩnh vực y tế thời gian gần đây có những lùm xùm, gây bức xúc dư luận trong quản lý thuốc nhưng lại không được lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết Bộ trưởng Y tế đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 và Quốc hội đã nghị quyết về chất vấn, trong đó có vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh, quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc chữa bệnh, tái cơ cấu ngành... Hiện nay Bộ trưởng đang tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, vì thế phải dành thời gian cho ngành thực hiện nghị quyết này.

“Trong các phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ khác có thể làm rõ thêm, không phải là vì không có Bộ trưởng Y tế mà không hỏi đến. Ví dụ như trong chất vấn Thủ tướng, Thủ tướng có thể yêu cầu Bộ Y tế trao đổi thêm,” ông Phúc nói.

Trao đổi thêm, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lĩnh vực về tài chính có tới 89,7% đại biểu đề cập, lĩnh vực về ngân hàng có 77%, về truyền thông có 83,8% và về tòa án nhân dân có 74,8% đại biểu quan tâm nên phải tập trung vào những vấn đề đó để trả lời.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội sẽ giám sát các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện lời hứa, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, giám sát đến cùng. Năm 2018 sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ, đây là một trong những nội dung để Quốc hội xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ đối với việc thực hiện lời hứa này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục