Sẽ điều chỉnh giá dầu nhịp nhàng dựa trên các yếu tố tác động

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, giá dầu thế giới giảm thì trong nước sẽ phải giảm, và giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng sẽ tăng nhưng mức tăng giảm phụ thuộc vào thực tiễn Việt Nam.
Sẽ điều chỉnh giá dầu nhịp nhàng dựa trên các yếu tố tác động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)

Trong buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 2/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ điều chỉnh giá dầu nhịp nhàng dựa trên các yếu tố tác động.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam điều hành theo Nghị định 83, mà đã theo giá thị trường có nghĩa là giá thế giới giảm thì trong nước sẽ phải giảm, và giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng sẽ tăng. Nhưng tăng ở mức độ nào, giảm ở mức độ nào thì phải tùy theo tình hình thực tiễn của Việt Nam và theo sức tiêu thụ cũng như thu nhập của người dân, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng đường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, đã giao các đơn vị mở rộng xuất khẩu, chứ không quá phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang bất cứ thị trường nào cũng được. Mặt khác, đây cũng là việc tuân thủ cam kết song phương, các cam kết về quốc tế, về xuất nhập khẩu các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là đối với những thị trường lớn, quan trọng.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, từ giờ đến Tết sẽ chưa tăng giá điện. Sau Tết, nếu EVN đề xuất tăng giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét tình hình thực tế để quyết định.

Riêng với thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định thị trường hàng hóa phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo nhu cầu mua sắm trong dịp Tết. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong tháng trước Tết Nguyên đán được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.