Thời gian qua, nhiều vụ việc lừa đảo, biến tướng từ kinh doanh theo phương thức đa cấp bị nhà chức trách Việt Nam khởi tố, làm mất niềm tin đối với phương thức kinh doanh này và gây phẫn nộ trong dư luận.
Vì vậy, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp là một ưu tiên được Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) gấp rút hoàn thiện, nhằm ngăn ngừa các hành vi trục lợi, qua đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đúng pháp luật.
Đa cấp biến tướng 'nở hoa' nhờ... COVID-19
Kinh doanh đa cấp là một phương thức kinh doanh hiện đại được nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới áp dụng nhằm phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.
Hình thức kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí quảng bá sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng mà thay vào đó là quảng bá về sản phẩm thông qua hệ thống người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, qua đó tạo thu nhập cho người tham gia trong hệ thống.
[Vụ án lừa đảo tại công ty Liên Kết Việt: Triệu tập hơn 6.000 người]
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trên thực tế, có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp (bán hàng đa cấp), biến tướng nó để thự hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, gây xáo trộn, mất trật tự an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người lao động mất việc làm, nhàn rỗi trong thời gian cách ly xã hội, các hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp, các hình thức đa cấp biến tướng lại càng có cơ hội “nở hoa” trên môi trường không gian mạng, gây nhiều bức xúc trong dự luận.
Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định chặt chẽ để xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, bao gồm cả quy định về quản lý hành chính cũng như quy định về xử lý hình sự, song vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trước những biến tướng phức tạp, nhanh chóng của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính.
Theo đó, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Kiểm soát hoạt động bảo trợ quốc tế
Một trong những chính sách quan trọng được bổ sung vào Nghị định này là kiểm soát chặt đối với hoạt động bảo trợ quốc tế.
Thực tế trong hoạt động bán hàng đa cấp, một số người tham gia bán hàng đa cấp được bảo trợ bởi người tham gia bán hàng đa cấp ở một nước khác.
Với vai trò là tuyến trên bảo trợ và đào tạo, hỗ trợ những người tham gia tuyến dưới ở Việt Nam, người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài sẽ được hưởng các loại hoa hồng, tiền thưởng phát sinh trên cơ sở doanh thu của hệ thống tuyến dưới ở Việt Nam.
Thông thường, khoản hoa hồng này là khá lớn vì những người được người nước ngoài bảo trợ là những người đầu tiên phát triển hệ thống bán hàng đa cấp ở Việt Nam, có mạng lưới người tham gia tuyến dưới đông đảo, doanh thu và hoa hồng lớn.
Đây là lý do khiến những người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài luôn mong muốn vào Việt Nam để làm tiền thị trường, xây dựng hệ thống ban đầu khi doanh nghiệp chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam.
Mặt khác, khi những người nước ngoài này thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động tại Việt Nam, chỉ cần hợp thức hóa là nghiễm nhiên có một hệ thống mạng lưới tuyến dưới mặc dù hệ thống này hình thành một cách bất hợp pháp - tức là đã trải qua thời gian hoạt động bất hợp pháp khi doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam.
“Quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp ở Việt Nam được bảo trợ quốc tế bởi người tham gia ở nước khác sẽ tác động trực tiếp vào những người có ý định làm tiền thị trường, hoạt động không phép ở Việt Nam. Bởi vì sau khi doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức, với việc không được thực hiện bảo trợ quốc tế, những người tiên phong xây dựng hệ thống sẽ không được trở thành tuyến trên và hưởng thành quả từ hoạt động của hệ thống người tham gia ở Việt Nam,” đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin.
Bổ sung công cụ đánh giá uy tín của doanh nghiệp
Nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, bản dự thảo bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu là 3 năm liên tục ở một quốc gia khác trên thế giới.
Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có cơ sở đánh giá uy tín của doanh nghiệp, một mặt cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý tốt vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.
Với quy định này, các doanh nghiệp mới thành lập, chưa có uy tín hay các doanh nghiệp đã có nhiều tai tiếng ở các nước khác trên thế giới sẽ khó khăn hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam một cách chính thống. Cùng đó, không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp đã từng hoạt động không phép.
“Một trong những thực trạng phổ biến xảy ra trong thời gian vừa qua là các doanh nghiệp vừa triển khai thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại cơ quan có thẩm quyền đồng thời triển khai luôn các hoạt động tiền thị trường, thậm chí hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận. Một số doanh nghiệp đã bị các đơn vị báo chí, truyền thông phản ánh về các dấu hiệu hoạt động bất hợp pháp, gồm cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,” đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng dẫn chứng.
Thực tế này cho thấy những doanh nghiệp này không tôn trọng pháp luật, hoạt động không phép và đồng nghĩa với thu lợi bất chính. Các hoạt động này sau đó sẽ có nguy cơ được hợp thức hóa nếu doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Quy định này được kỳ vọng sẽ là một công cụ hữu hiệu để răn đe, ngăn ngừa các hoạt động bán hàng đa cấp khi không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ không còn cơ hội được đăng ký hoạt động một cách chính thống.
“Với những chính sách, định này mới này, Bộ Công Thương hy vọng sẽ phần nào hạn chế được tình trạng hoạt động bán hàng đa cấp không phép, nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân,” đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay./.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo một số dấu hiệu nhận diện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính: 1. Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống. 2. Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. 3. Nói quá thông tin để dụ dỗ người khác tham gia. 4. Không có hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị, chất lượng. |