Trong thời gian qua, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ và phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Số lượng cuộc gọi đến Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (Tổng đài 1800.6838) của Bộ Công Thương tăng bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2019.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị "Tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực miền Nam" do Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh chiều ngày 30/9.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 1800.6838 đã tiếp nhận trên 7.000 cuộc gọi đến; trong đó, có hơn 1.000 đơn yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ giải quyết.
Tuy nhiên, số lượng đầu mối tiếp nhận tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng còn hạn chế; tỷ lệ cuộc gọi được tư vấn, hỗ trợ chiếm trung bình dưới 60% tổng số cuộc gọi đến; hỗ trợ giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng chưa đồng bộ, thống nhất theo quy trình chuẩn trên phạm vi cả nước.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng đài 1800.6838 hiện được mở rộng và nâng cấp thành đầu số quốc gia.
Đặc biệt, việc ký kết Biên bản hợp tác của Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo-Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương với Amway Việt Nam về hoạt động tuyên truyền, phổ biến trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2020-2021 không nằm ngoài mục tiêu phối hợp, nâng cao nhận thức và hỗ trợ người tiêu dùng tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với bất cứ nền kinh tế nào, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng có tác động lớn đối với quá trình dẫn dắt, vận hành của thị trường.
Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
[Amway Việt Nam tham gia tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng]
Các đơn vị liên quan sẽ tăng cường tuyên truyền về công cụ, phương tiện điện tử do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện quản lý và vận hành gồm Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng... nhằm tra cứu cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Số liệu báo cáo của doanh nghiệp cho thấy, năm 2019, tổng lượng người tham gia bán hàng đa cấp là 1.105.003 người, giảm 159.401 người, tương ứng khoảng 12% so với cuối năm 2018; trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%.
Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp giảm, nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Quế, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo (ICT)-Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, định hướng xây dựng “văn hóa trách nhiệm” của doanh nghiệp đối với cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam là vấn đề quan trọng trong quản lý lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng giám đốc Amway Việt Nam cho biết, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và giữ chân khách hàng thì việc tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng để tạo cho họ sự chủ động, ý thức tự bảo vệ bản thân là giải pháp quan trọng; đồng thời, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tiêu dùng một cách bền vững.
Đánh giá về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, trước diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội trước năm 2016 khiến cơ quan quản lý thực hiện hàng loạt biện pháp quản lý mạnh mẽ và đồng bộ để định hướng doanh nghiệp.
Về tổng thể, hoạt động bán hàng đa cấp đang dần ổn định, có đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước./.