Dự kiến từ ngày 16/2 đến 31/3, Kiểm toán Nhà nước sẽ triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề về “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” và dự kiến phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/5. Đây sẽ là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch kiểm toán 2022 của Kiểm toán Nhà nước, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của Kiểm toán Nhà nước vào hoạt động giám sát của Quốc hội.
Tiến sỹ Vũ Văn Họa, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết mục tiêu của cuộc kiểm toán là nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, nhằm báo cáo kịp thời báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cũng như thông tin tới công luận và xã hội.
Chuyên đề kiểm toán là phạm vi huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành cơ quan Trung ương (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh xã hội, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…). “Tuy nhiên, đề án này sẽ không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, bộ sinh phẩm xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra chính phủ thực hiện) và Kiểm toán Nhà nước chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị,” ông Họa nói.
Phó tổng Kiểm toán cho hay dự kiến nội dung kiểm toán sẽ tập trung vào 6 vấn đề chính. Thứ nhất là huy động các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19. Theo ông, nội dung này hết sức quan trọng bởi nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 rất đa dạng và phong phú.
“Vì vậy, để xác định đúng và chính xác các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo về việc xác định các nguồn viện trợ, tài trợ bằng hiện vật; thu từ dịch vụ xét nghiệm; chính sách thuế và chính sách tín dụng cũng như việc sử dụng các nguồn lực từ các cơ sở khám chữa bệnh trong bối cảnh hầu hết các đơn vị đều thực hiện tự chủ về tài chính trong khi nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh trong năm 2020 và năm 2021 bị sụt giảm nhiều…,” ông Họa nói.
Nội dung tiếp theo, kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực và đây là vấn đề quan trọng nhất. Cụ thể, giai đoạn chống dịch có rất các nhiều chính sách và khoản chi cũng như đối tượng (các lực lượng tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế, người lao động, lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa, đơn vị sử dụng người lao động). Do đó, quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (như cơ sở pháp lý và hồ sơ thanh, quyết toán và nhất là việc thực hiện các khoản chi) trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc.”
Bên cạnh đó, chuyên đề cũng trú trọng tới những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán (chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…); việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật (như vaccine, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…); xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 (nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm nhanh và PCR); thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19./.