Séc hưởng lợi từ việc bơm ngược khí đốt trở về Ukraine

Khí đốt từ Slovakia có thể sẽ được đưa ngược trở lại Ukraine và các công ty của Séc sẽ được hưởng lợi từ điều này, đồng thời sự căng thẳng trong khu vực cũng giảm bớt.
Séc hưởng lợi từ việc bơm ngược khí đốt trở về Ukraine ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua châu Âu. (Nguồn: dw.de)

Khí đốt từ Slovakia có thể sẽ được đưa ngược trở lại Ukraine nhằm đáp ứng một phần nhu cầu khí đốt của nước này trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga đã bị cắt từ ngày 16/6 do mâu thuẫn về giá bán khí đốt và sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các công ty của Séc sẽ được hưởng lợi từ điều này và sự căng thẳng trong khu vực cũng giảm bớt.

Theo Đài Radio Praha, ở cấp độ kinh tế vĩ mô và chính trị, việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine và giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga có thể giúp loại bỏ một trong những nguồn gây tranh cãi giữa Moskva và Kiev cũng như nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng rộng lớn hơn gây tổn hại cho phần còn lại của châu Âu.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka cũng đã từng đề xuất biện pháp làm dịu một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra tại Slovakia và Hungary. Đó là bơm ngược trở lại nguồn khí đốt đã vận chuyển qua Cộng hòa Séc nếu nguồn cung khí đốt bình thường bị cắt tương tự năm 2009.

Ở cấp độ doanh nghiệp, việc “đảo ngược” dòng chảy khí đốt được xem như là một nguồn thu nhập tiềm năng cho công ty đường ống dẫn khí Eustream của Slovakia, hiện do công ty năng lượng EPH của Séc nắm giữ 49% cổ phần.

Công ty Eustream cũng đang tiếp tục thi công lắp đặt đường ống cho EPH và NET4GAS, đối tác vận chuyển khí đốt của EPH.

Ngày 2/9, Slovakia đã khánh thành một tuyến đường ống có thể vận chuyển khí đốt từ Liên minh châu Âu (EU) đến Ukraine với tiềm năng đáp ứng được 20% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của nước này.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã khẳng định lượng khí đốt bơm ngược từ Slovakia, Hungary và Ba Lan sẽ đảm bảo nhu cầu nhập khẩu của Ukraine về trung hạn. Năm ngoái Nga cung cấp khoảng một nửa trong tổng số 50 tỷ m3 khí đốt mà Ukraine sử dụng.

Quyết định mở ra các tuyến đường ống cung cấp khí đốt ngược trở lại phía Đông là một phần phản ứng của EU trước quyết định của Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cắt nguồn cung cho Ukraine từ ngày 16/6./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.