Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của SHB giảm xuống còn 1,6%.
Cụ thể, năm 2020 SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống mức 1,6%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay; tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao.
Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng đảm bảo giúp SHB nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.
[SHB dành 8.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân]
Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt 412.900 tỷ đồng, tăng 13,1%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2019; vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 17.558 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,9%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019.
Có được kết quả này do SHB đạt tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng của SHB.
SHB cũng đã hoàn tất toàn bộ các hạng mục của ICAAP, đáp ứng tuân thủ sớm toàn bộ 3 Trụ cột của Basel II so với quy định. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất theo Basel II đạt 10,2% cao hơn so với quy định của NHNN (> 8%).
Trong năm nay, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC./.