Siết công tác quản lý du lịch mạo hiểm, ngăn tai nạn tiếp diễn

Các khu, điểm tổ chức du lịch mạo hiểm cần xây dựng quy trình hoạt động, phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại các vị trí nguy hiểm.
Siết công tác quản lý du lịch mạo hiểm, ngăn tai nạn tiếp diễn ảnh 1Lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm du khách Belarus gặp nạn dưới chân thác Pongour. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/3 cho biết Bộ đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm.

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ cuối tháng 2/2016, tại các thác nước thuộc tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 4 khách du lịch nước ngoài thiệt mạng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương giải quyết hậu quả và tăng cường công tác quản lý tại các điểm du lịch trên địa bàn.

Sự việc xảy ra cho thấy công tác quản lý điểm thăm quan còn bộc lộ nhiều sơ hở, nếu không có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời thì khả năng xảy ra tai nạn vẫn còn tiếp diễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá thác nước.

Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở quản lý du lịch và các ngành chức năng, các địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý các khu, điểm, hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn.

Các khu, điểm tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức các hoạt động; yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch.

Các khu, điểm tổ chức du lịch mạo hiểm cần xây dựng quy trình hoạt động, phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại các vị trí nguy hiểm; nghiêm túc chấn chỉnh, kiên quyết dừng hoạt động các khu, điểm du lịch không đảm bảo an toàn hoặc để xảy ra vi phạm.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm, cần rà soát tiêu chí, quy trình hoạt động theo giấy phép kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm trên địa bàn; có phương án tổ chức chương trình du lịch phù hợp với từng loại hình du lịch mạo hiểm cụ thể tại điểm du lịch.

Các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp du lịch trên địa bàn khi tổ chức đưa khách du lịch đến tham quan, sử dụng dịch vụ tại các điểm du lịch mạo hiểm phải tuân thủ đúng quy định, quy trình của Ban quản lý hoặc đơn vị tổ chức hoạt động du lịch, tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện đúng các quy định về an toàn khi sử dụng dịch vụ.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng qui định cụ thể phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn.

Thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

Việc chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm trên địa bàn là việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở quản lý du lịch, các ban, ngành chức năng của địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai ngay các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) trước ngày 31/3/2016 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục