Singapore muốn giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế để ổn định xã hội

Singapore sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng kinh tế với tốc độ chậm hơn để hạn chế dòng lao động ngoại lai nhằm đảm bảo sự ổn định về mặt xã hội.
Singapore muốn giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế để ổn định xã hội ảnh 1Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Singapore, Tharman Shamugaratnam. (Nguồn: Bloomberg)

Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Singapore, Tharman Shamugaratnam, mới đây nói rằng quốc đảo này sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng kinh tế với tốc độ chậm hơn để đảm bảo sự ổn định về mặt xã hội.

Ông Tharman cho biết, việc kinh tế Singapore tăng trưởng ở mức 3% trong năm nay, so với con số trung bình hằng năm 6,4% trong một thập niên qua, là điều có thể hài lòng, nếu tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là nhờ tăng năng suất sản xuất.

Ông Tharman nói Chính phủ Singapore chấp nhận việc tăng trưởng thấp hơn như cái giá của việc hạn chế dòng lao động ngoại lai và duy trì tỷ lệ người nước ngoài trong lực lượng lao động trong nước ở mức 1/3.

Mức tăng trưởng kinh tế cao trong thập niên qua đã thu hút lao động người nước ngoài đến Singapore làm việc với số lượng ngày một tăng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2013, dân số Singapore tăng từ 4 triệu người lên 5,4 triệu người, trong đó số lượng người nước ngoài tăng 35%.

Tính đến cuối năm 2013, số người nước ngoài có giấy phép lao động tại nước này là 1,32 triệu, vào khoảng 38% lực lượng lao động, gây ra sức ép nhất định lên cơ sở hạ tầng và các dịch vụ.

Năm 2010, Singapore công bố kế hoạch 10 năm về tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm tăng năng suất và giữ tỷ lệ lao động nước ngoài trong lực lượng lao động ở mức 1/3.

Mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch này là tăng năng suất trung bình 2-3% mỗi năm, dù thực tế là năng suất lại giảm trong năm 2012 và 2013.

Kế hoạch này cũng đề ra các quy định nhằm giảm nhu cầu thuê lao động người nước ngoài trong một số lĩnh vực.

Hiện nhiều công ty, đặc biệt là trong ngành xây dựng và dịch vụ khách hàng, đã lên tiếng than phiền rằng những quy định đã gây ra những khó khăn cho họ và yêu cầu có những thay đổi.

Tuy nhiên, ông Tharman khẳng định sẽ không có sự điều chỉnh đối với những quy định như vậy bởi các công ty cần có sự điều chỉnh và tìm ra những cách thức hoạt động hiệu quả hơn về lâu dài, thay vì những trì hoãn tạm thời.

Năm 2013, kinh tế Singapore tăng trưởng 3,9%. Năm 2014, mức tăng trưởng theo ước đoán của chính phủ nước này là khoảng 2-4%.

Việc hạn chế sử dụng lao động nước ngoài và tăng trưởng kinh tế ổn định có nghĩa thị trường lao động bị thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp dao động ở khoảng 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.