Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Singapore sẵn sàng trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới, khi các giao dịch chuyển sang phía Đông.
Theo người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu của WGC, Shaokai Fan, nguyên nhân chính là mức tiêu thụ vàng ở các nền kinh tế mới nổi lớn đang gia tăng, và đa số các thị trường này tập trung ở châu Á.
Một yếu tố khác là sự gần gũi của Singapore đối với các ngân hàng trung ương đang tích cực mua vàng.
Phát biểu tại Hội thảo về kim loại quý châu Á-Thái Bình Dương, ông Fan cho rằng trung tâm hấp dẫn của thị trường vàng đã chuyển sang phía Đông.
Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới và ngân hàng trung ương nước này là người mua vàng lớn nhất khi muốn tăng dự trữ.
Trong số các ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) mua vàng nhiều nhất trong năm 2023.
Báo cáo của WGC cho thấy Nhật Bản vẫn có nhu cầu lớn về vàng, với nhu cầu vàng trang sức trong quý 1/2024 là mạnh nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó, lượng vàng Hàn Quốc mua trong quý tăng mạnh nhất trong hơn hai năm.
Thêm vào đó, Singapore ở vị trí gần với khoảng 25% các trung tâm cung ứng vàng của thế giới như Trung Quốc, Australia, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea và Lào.
Việc tìm kiếm trung tâm dự trữ vàng chính thức của thế giới trở thành mối quan tâm ngày càng lớn của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, đặc biết trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Singapore có thể trở thành sự thay thế cho London và New York trở thành một trung tâm dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương.
Ông Fan cho rằng Singapore đã sẵn sàng dẫn đầu thị trường vàng trong tương lai. Ông chỉ ra các yếu tố khác góp phần vào vai trò quan trọng của nước này trong tương lai của thị trường vàng như cam kết về sự ổn định chính trị và bỏ thuế tiêu thụ đối với đầu tư vàng.
Kể từ tháng 12/2012, Singapore đã miễn thuế hàng hóa và dịch vụ đối với các kim loại quý thuộc diện đầu tư./.