Sinh viên Trung Quốc tìm kiếm 'giấc mơ ngoài nước Mỹ'

Các sinh viên Trung Quốc cảm thấy không yên tâm khi học tập tại Mỹ và bắt đầu tìm kiếm những điểm đến mới để hiện thực hóa giấc mơ đại học của mình.
Sinh viên Trung Quốc tìm kiếm 'giấc mơ ngoài nước Mỹ' ảnh 1Các sinh viên Trung Quốc đang không còn cảm thấy "an toàn" tại Mỹ. (Nguồn: Scholarship US)

Giữa vòng xoáy của cuộc chiến thương mại với những hành động áp thuế trả đũa lẫn nhau, các sinh viên Trung Quốc cảm thấy không yên tâm khi học tập tại Mỹ và bắt đầu tìm kiếm những điểm đến mới để hiện thực hóa giấc mơ đại học của mình.

Sinh viên Trung Quốc chiếm gần 30% tổng số sinh viên nước ngoài học tập tại Mỹ, đem lại nguồn thu lên tới hàng tỷ USD cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Chỉ riêng trong năm 2018, sinh viên Trung Quốc đóng góp 13 tỷ USD, bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt, cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Cơ quan Hải quan và di trú Mỹ cho biết số sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học đã giảm 2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2009.

Một số cuộc khảo sát đối với hàng chục phụ huynh và sinh viên Trung Quốc do hãng AFP thực hiện, cho thấy sự trậm trễ trong thủ tục xin thị thực, quan ngại về việc dự án nghiên cứu bị đình chỉ và sự an nguy là những nguyên nhân khiến nhiều sinh việc Trung Quốc không còn ấp ủ giấc mơ học tập tại Mỹ và chuyển hướng sang nước khác cũng có thế mạnh về giáo dục.

Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump điều chỉnh thời hạn thị thực đối với sinh viên học các ngành kỹ thuật và khoa học từ 5 năm xuống 1 năm. Theo Viện Giáo dục quốc tế tại New York, hơn 30% trong tổng số 360.000 sinh viên tại Mỹ, theo học các ngành STEM - gồm khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán học. Điều chỉnh của Nhà Trắng đã khiến nhiều sinh viên Trung Quốc do dự khi tìm kiếm học bổng tại Mỹ, qua đó ảnh hưởng đến việc chiêu sinh và nguồn thu của các trường đại học. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc hồi tháng 6 cũng đã ra cảnh báo đi lại tới Mỹ với lý do bạo lực súng đạn và trộm cắp, điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của các sinh viên và phụ huynh Trung Quốc.

[Trung Quốc cảnh báo rủi ro với sinh viên, học giả nước này ở Mỹ]

Một khảo sát của hãng New Oriental China cho biết Anh, Australia và Canada là những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc - vốn là những điểm du học truyền thống đối với giới tinh hoa Trung Quốc - và một số nước tại châu Âu, đặc biệt là Đức và các nước Bắc Âu với thế mạnh là các ngành kỹ thuật, cũng được xem là điểm đến lý tưởng mà sinh viên Trung Quốc để mắt tới.

Melissa Zhang, một học sinh bậc trung học tại Bắc Kinh, là một ví dụ điển hình. Em tuyên bố từ bỏ giấc mơ đến Mỹ du học và thay vào đó, em lựa chọn đến Đức để theo học ngành robotics. Trong khi đó, Eric Wang, 25 tuổi, đang theo học ngành y khoa tại Đại học Purdue ở bang Indiana, hết sức lo lắng khi phải gia hạn visa hằng năm. Điều này ảnh hưởng tới các dự án nghiên cứu dài hạn và cả việc tìm kiếm bạn gái.

Nhiều đại học danh tiếng tại Mỹ như Yale hay Stanford phàn nàn rằng cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng đến việc chiêu sinh. Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Massachusetts Rafael Reif nhấn mạnh tới tình trạng bất bình đẳng, thiếu khách quan trong việc xét duyệt thị thực đối với một số sinh viên có quốc tịch Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.