Kết quả khảo sát chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017 cho thấy, cơ quan hành chính ở các địa phương đang thực hiện tốt việc trả kết quả đúng hẹn cho người dân, chỉ có 5,9% trễ hẹn. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ trễ hẹn không lớn nhưng khảo sát đã chỉ ra có cán bộ địa phương đã không thực hiện bất kỳ thông báo, xin lỗi nào của việc trễ hẹn trả kết quả.
[Cải cách hành chính: Cầu nối đưa ngân hàng đến với doanh nghiệp]
Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017 do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 2/5 tại Hà Nội.
Vẫn còn cán bộ sách nhiễu dân
Trong thời gian qua, chính quyền các địa phương đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ở bộ phận một cửa, một cửa liên thông và thực hiện các biện pháp giám sát, xử lý đối với các trường hợp công chức vi phạm quy định trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức.
Kết quả cho thấy tỷ lệ rất thấp người dân, tổ chức phản ánh công chức gây phiền hà, sách nhiễu (chỉ 3,35%), gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí chỉ 1,85%. Tuy nhiên, SIPAS 2017 cho thấy tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý nộp thêm phí trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công vẫn diễn ra ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo quy định, việc giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức phải thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan chuyên môn, ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân, tổ chức đồng thời tránh các tiêu cực phát sinh. Tuy nhiên, có tới 36,08% số người được hỏi không giải quyết công việc ở bộ phận một cửa.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), việc thực hiện cơ chế một cửa, liên thông sẽ giảm đáng kể việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc. 78.09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc, 16,94% đi lại 3-4 lần. Tuy nhiên, vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, 2,42% số người được hỏi đi lại 5-6 lần, 2,47% đi lại 7 lần trở lên.
Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng chính quyền điện tử và cung ứng dịch vụ công trực tuyến qua mạng internet. Tuy vậy, kết quả SIPAS 2017 cho thấy có 5,17% số người được hỏi trong cả nước tiếp cận thông tin về cung ứng dịch vụ hành chính công qua mạng intetnet, trong khi đó số người tiếp cận thông tin qua chính quyền cấp xã 71,92%.
Trễ hẹn nhưng không xin lỗi người dân
Ông Phạm Minh Hùng cho biết có tới 91,73% người dân, tổ chức được hỏi đã trả lời đã nhận được kết quả cung ứng dịch vụ của cơ quan nhà nước đúng hẹn, 2,37% nhận sớm hẹn và 5,9% trễ hẹn.
“Trong số những người dân, tổ chức bị trả kết quả trễ hẹn chỉ có 32,77% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn, 11,09% nhận được xin lỗi. Đặc biệt, có tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo hay xin lỗi về sự trễ hẹn trả kết quả đối với người dân, tổ chức,” ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh.
Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính được xét theo 5 chỉ số, trong đó chỉ số hài lòng về cung ứng dịch vụ có cao nhất với 85,73%, tiếp theo là chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính 84,31%, chỉ số hài lòng về công chức 81,81%, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ 77,87%. Chỉ số hài lòng về tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị đứng vị trí thấp nhất trong 5 yếu tố với 75,34%.
“Kết quả khảo sát cho thấy việc tiếp cận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của các cơ quan hành chính địa phương chưa được quan tâm giải quyết đúng mức, các cơ quan chưa thực sự lắng nghe, có trách nhiệm giải trình với người dân, tổ chức,” ông Phạm Minh Hùng nói.
Đánh giá về kết quả của chỉ số hài lòng về sự phụ vụ của cơ quan hành chính, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng đây là kênh thông tin quan trọng để đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch cụ hành chính công, qua đó phản ánh được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức đối.
“Đặc biệt, các cơ quan hành chính phải luôn coi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các cơ quan cần tăng cường khảo sát, thu thập ý kiến người dân, tổ chức một cách khách quan để phục vụ cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ ông,” Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng yêu cầu các Bộ, các tỉnh cần nghiên cứu, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong tổ chức cung ứng dịch vụ công của từng lĩnh vực, từng cơ quan, cấp hành chính xác định rõ nguyên nhân để tìm cách khắc phục với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ công, đáp ứng sự mong đợi của người dân, tổ chức./.