Số doanh nghiệp làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Móng Cái tăng 70%

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã thu hút 302 doanh nghiệp mới, nâng tổng số 694 doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn, tăng 70% so với cùng kỳ 2022.
Số doanh nghiệp làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Móng Cái tăng 70% ảnh 1Hàng hóa xuất nhập khẩu qua lối mở Km3+4 Hải Yên - Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Theo bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái được duy trì ổn định.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến đến ngày 15/6 đạt 1.463,5 triệu USD, tăng 8,24% so với cùng kỳ 2022.

Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.002,7 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 460,8 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 667,77 tỷ đồng; tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.

[Tín hiệu vui cho sự hồi phục kinh tế của Cửa khẩu quốc tế Móng Cái]

Đáng lưu ý, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã thu hút 302 doanh nghiệp mới, nâng tổng số 694 doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn, tăng 70% so với cùng kỳ 2022.

Bà Trần Bích Ngọc cho biết tính đến ngày 15/6, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 753 nghìn tấn, tăng 265% so cùng kỳ năm 2022.

Ước đến 30/6 sẽ đạt 833.000 tấn tăng 198% so cùng kỳ năm 2022, trong đó Cửa khẩu cầu Bắc Luân II có 21.534 phương tiện xuất nhập cảnh chở gần 360.000 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng 147% lượng hàng hóa so với cùng kỳ năm 2022; trung bình mỗi ngày có 160 phương tiện chở 2.662 tấn hàng hóa.

Tại lối mở Km3+4 Hải Yên, có 22.704 phương tiện chở gần 372,5 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu (bình quân đạt 143 phương tiện/ngày, 2.343 tấn hàng/ngày), tăng 585% so cùng kỳ 2022.

Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là hoa quả, bột sắn, thủy-hải sản đông lạnh, tôm-cua-cá sống và hàng khô khác. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng tạp, hàng vải.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 cơ bản ổn định và được kiểm soát tốt, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc) đã từng bước hoạt động trở lại ổn định, thông thoáng.

Cùng với đó, Chính quyền các cấp 2 bên biên giới nối lại nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh tế-xã hội thông qua hội đàm, giao lưu, khảo sát; cư dân hai bên biên giới và các thương nhân qua lại giao thương, buôn bán, khách du lịch thăm quan lẫn nhau có chiều hướng tăng mạnh. Hoạt động thương mại nội địa được khôi phục, đi vào ổn định, các chợ trên địa bàn thành phố hoạt động sôi động trở lại.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái đã chủ động bám sát, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của tỉnh và Trung ương; trong đó tận dụng tốt thời cơ hoạt động thông quan trở lại bình thường để thúc đẩy phát triển kinh tế, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu có bứt phá, tăng mạnh.

Thành phố đã bố trí đầy đủ lực lượng làm việc tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, triển khai các giải pháp duy trì ổn định, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu hàng hóa trong tình hình mới.

Ngoài ra, tổ chức hội đàm với Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) kịp thời thống nhất các giải pháp điều chỉnh, triển khai linh hoạt một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới phù hợp với chính sách nới lỏng phòng chống dịch bệnh của 2 nước.

Hơn nữa, thành phố còn tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn; chủ động, tích cực nắm bắt thông tin, tình hình biên giới, cửa khẩu, những thay đổi về chính sách xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của 2 nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp để chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.