Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm, có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm tăng cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm, có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 và 11.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1%.

Đáng chú ý là trong hai tháng có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong tháng Hai, cả nước có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 96.800 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 73.100 lao động, tăng 10,7% về số doanh nghiệp, giảm 21,4% về vốn đăng ký và giảm 13,5% về số lao động so với tháng 1/2020.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10.600 tỷ đồng, giảm 29% so với tháng trước và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, cả nước còn có 3.630 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 57,1% so với tháng trước và tăng 107,8% so với cùng kỳ năm trước; 4.567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 61% và tăng 61,8%; 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 30,9% và tăng 120%; 1.186 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 26,8% và giảm 12,4%; 2.215 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 36,6% và tăng 67,7%.

Tổng cục Thống kê cho biết nếu tính cả 421.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5.700 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm là 641.000 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 11.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng lên 29.400 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 14.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. 

Theo khu vực kinh tế, trong hai tháng đầu năm, có 265 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2019; 4.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 8,4%; 12.500 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 9,2%.

Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy có 5.738 doanh nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 2.227 doanh nghiệp, tăng 11,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 822 doanh nghiệp, tăng 5,4%; vận tải, kho bãi 807 doanh nghiệp, tăng 11,2%; thông tin và truyền thông 578 doanh nghiệp, tăng 19,9%; giáo dục và đào tạo 545 doanh nghiệp, tăng 13,8%...

Có 4 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, giảm 10,7%; kinh doanh bất động sản, giảm 6%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí, giảm 5,8%; hoạt động dịch vụ khác, giảm 6,3%.

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16.200 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, giảm 11,1%; trong đó có 2.500 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%.

[Tổng vốn FDI vào Việt Nam giảm 23,6% trong 2 tháng đầu năm]

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi...

Trong hai tháng, trên cả nước còn có gần 5.700 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa, vào cuộc để tăng tốc cải cách, phục vụ doanh nghiệp một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa, từ đó thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, góp phần gia tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.