Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm đáng kể

Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có thêm 840.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến hết ngày 3/10, giảm 9.000 người so với một tuần trước đó.
Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm đáng kể ảnh 1Người lao động đăng ký tìm việc tại trung tâm bán lẻ Target ở San Francisco, bang California (Mỹ). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Số lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm đáng kể so với tuần trước đó, cho thấy thị trường lao động đang có những cải thiện nhất định khi hàng triệu người đi làm trở lại sau khi bị mất việc do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Số liệu công bố ngày 8/10 của Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có thêm 840.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến hết ngày 3/10, giảm 9.000 người so với một tuần trước đó.

Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm đáng kể so với mức đỉnh gần 7 triệu người hồi tháng 3, song liên tục duy trì ở mức hơn 800.000 người trong những tuần gần đây.

[Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 9 tiếp tục suy giảm]

Theo bộ trên, con số này cao gấp 4 lần so với thời điểm trước khi virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tấn công vào mùa Xuân vừa qua. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy làn sóng sa thải vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, mặc dù nhiều người lao động cũng đã quay trở lại làm việc hay tìm được công việc mới.

Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, số người tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nộp đơn lần đầu đã giảm 1 triệu người từ mức 11,97 triệu người xuống còn 10,97 triệu người trong tuần kết thúc vào ngày 26/9.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán các công ty sẽ tiếp tục thu hẹp hoạt động tuyển dụng trong những tháng còn lại của năm 2020 và lan sang cả năm 2021, đặc biệt khi các cuộc đàm phán giữa các nghị sỹ Quốc hội và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một gói chi tiêu bổ sung nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi rơi vào bế tắc trong nhiều tháng nay.

Ngày 6/10, Tổng thống Trump đã thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán với các nghị sỹ đảng Dân chủ về dự luật cứu trợ mới cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý 2 vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm đáng kể.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phục hồi "nhanh hơn và mạnh mẽ hơn" sau đợt suy thoái dịch COVID-19 gây ra nếu có thêm sự hỗ trợ của chính phủ nhằm ngăn chặn gia tăng số việc làm bị mất đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.