Sôi động Hội chợ thương mại-du lịch quốc tế Việt-Trung 2015

Tại Hội chợ Thương mại-Du lịch quốc tế Việt-Trung lần thứ 15, với việc đầu tư có chiều sâu, gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút sự tham quan của khách đến hội chợ,
Sôi động Hội chợ thương mại-du lịch quốc tế Việt-Trung 2015 ảnh 1Hoạt động mua bán, tiếp thị sản phẩm tại hội chợ. (Ảnh: Văn Toán/Vietnam+)

Hội chợ Thương mại-Du lịch quốc tế Việt-Trung là hoạt động luân phiên thường niên do ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức.

Đáng chú ý là tại Hội chợ Thương mại-Du lịch quốc tế Việt-Trung lần thứ 15 năm 2015, với việc đầu tư chiều sâu từ cách trang trí gian hàng đến chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút sự tham quan, mua sắm của đông đảo khách hàng khi đến hội chợ.


Hàng Việt tạo sức hút khách mua

Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức, trong số trên 750 gian hàng thuộc hội chợ lần này thì có trên 500 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đến từ hơn 20 địa phương trong nước, trên 200 gian hàng của nước ngoài; trong đó lần đầu tiên có sự góp mặt của hai nước Hàn Quốc và Thái Lan. Các gian hàng của Việt Nam chủ yếu thuộc các lĩnh vực: nông, lâm, thủy hải sản; hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, đồ gỗ; máy móc thiết bị, thiết bị điện tử, may mặc, giầy dép…

Trong số các mặt hàng trên, Lào Cai đã đóng góp những sản phẩm đáng kể như gạo đặc sản Shéng cù, tương ớt Mường Khương, mật ong và các sản phẩm từ ong mật của Công ty ong Thanh Xuân (Bảo Yên), trà Giảo Cổ Lam, cao atiso, cá tầm, cá hồi vân (Sa Pa)... và nhiều mặt hàng có thương hiệu của Lào Cai và các tỉnh thành khác trong cả nước như miến dong, thịt trâu sấy Lai Châu, chả mực Hạ Long, nước mắm Cát Hải, mực một nắng Cô Tô (Quảng Ninh), hoa quả các tỉnh Nam bộ, hạt sen và các sản phẩm từ cây sen của tỉnh Đồng Tháp, tỏi Lý Sơn…

Ngoài ra, hội chợ còn quy tụ nhiều mặt hàng gia dụng, đồ may mặc có thương hiệu nổi tiếng của 22 địa phương khác trong cả nước như thương hiệu May 10, Hanosimex, Dệt kim Đông Xuân, May Nhà Bè, thời trang xuất khẩu Made in Viet Nam...

Riêng trong lĩnh vực thực phẩm, ăn uống cũng chiêu thương được nhiều sản phẩm nông sản có tiếng của các doanh nghiệp Việt Nam như các loại rau quả đóng hộp và sản phẩm rau quả tươi của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), nước mắm Cát Hải (Hải Phòng), nấm linh chi đen Sa Pa (Công ty Vĩnh Tiến), trà Shan tuyết (Hà Giang), quế Trà Bồng (Quảng Ngãi)…

Bà Nguyễn Thị Ninh, đại diện Công ty sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Gia Linh - Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho biết: "Đây là lần thứ 10 đơn vị tham gia Hội chợ Thương mại-Du lịch quốc tế Việt-Trung tại Lào Cai. Chúng tôi biết người Trung Quốc rất thích đồ gỗ Việt Nam, vì vậy hội chợ lần nào Công ty cũng mang theo lượng hàng đáng kể; trong đó có những bộ bàn ghế giá lên tới 800 triệu đồng đã thu hút người mua trong và ngoài nước."

Được hỏi về cảm nhận khi đến hội chợ, chị Nguyễn Thị Hồng Anh, ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết: "Nét mới của hội chợ lần này là các gian hàng đã được chia thành các khu riêng biệt nên rất thuận tiện cho chúng tôi trong việc tham quan, mua sắm. Không chỉ có những sản phẩm ăn uống, người dân khi đến đây còn tìm được các loại đồ gia dụng, quần áo may mặc với giá cả hợp lý. Đặc biệt đây đều là những sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, là sản phẩm đặc thù của các địa phương, các vùng, miền trong cả nước mà giá cả lại phải chăng nên tôi đã mua được rất nhiều đồ dùng cho gia đình."

Theo thống kê của Ban cổ chức Hội chợ năm nay số ngoài số lượng gian hàng tăng còn còn phải kể đến lượng khách đến tham quan mua sắm cũng vượt trội so với hội chợ lần thứ 13 (năm 2013) cũng tổ chức tại địa điểm này. Lý do, là do công tác chiêu quảng bá đã được Ban tổ chức làm rất tốt trước đó.

Nhưng cũng phải kể đến một lý do hết sức quan trọng và quyết định đó là đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã thông thương rút ngắn thời gian đi lại xuống 1/2 nên lượng khách các tỉnh đến với Lào Cai đông gấp nhiều lần hội chợ các năm trước, bình quân mỗi ngày khoảng 1,5 đến 2 vạn lượt người.

Trong đó hai ngày nghỉ cuối tuần (thứ 7 và Chủ Nhật) lượng khách tăng đột biến với 30.000 lượt người tham quan mua sắm. Theo ông Nguyễn Thành Cương, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch Lào Cai, dự kiến lượng khách trong tuần hội chợ (từ 12 đến 17/11) sẽ là 150.000-200.000 lượt người, tăng gấp đôi năm 2013 (năm 2013 là 100.000 lượt người).

Sôi động bên lề Hội chợ

Theo ông Nguyễn Thành Cương, mặc dù số lượng gian hàng và lượng khách mua bán tham quan đông nhưng công tác an ninh trật tự vẫn được đảm bảo an toàn. Các hoạt động bên lề hội chợ như hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hội đàm giữa lãnh đạo hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã được tổ chức theo đúng nội dung đã đề ra.

Đặc biệt, tại Hội chợ năm nay đã có 15 cặp hợp đồng kinh tế và 2 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên. Tổng giá trị hợp đồng ký kết lên đến 325 triệu USD, tăng 40% so với năm 2013. Trong đó, giá trị hợp đồng xuất khẩu chiếm 68%, nhập khẩu chiếm 30%, dịch vụ vận tải chiếm 2%. Các ngành hàng ký kết chủ yếu là thủy sản, phân bón, cao su và than cốc.

Trong tổng số 15 cặp hợp đồng ký kết có một số hợp đồng có giá trị lớn như hợp đồng xuất khẩu thủy sản giữa Công ty cổ phần Kinh tế Kim Thành và Công ty Hữu hạn xuất, nhập Mân Hâm (Hà Khẩu), với tổng giá trị 175 triệu USD; hợp đồng nhập khẩu phân bón giữa Công ty ​trách nhiệm hữu hạn Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hà Bang (Hà Khẩu), với tổng giá trị 35 triệu USD; hợp đồng xuất khẩu cao su thiên nhiên giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Mậu dịch Nệm cao su Liên Á và Công ty ​trách nhiệm hữu hạn Vinh Thái (Hà Khẩu), với tổng giá trị 20 triệu USD...

Như vậy là bên cạnh mục đích bán hàng thông thường, việc tham gia hội chợ lần này còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm các đối tác tiêu thụ, đại lý lớn để ký hợp tác lâu dài. Với định hướng và chiến lược trên nên các doanh nghiệp Việt Nam đều đem những sản phẩm tốt nhất đến hội chợ. Đây cũng chính là cơ hội rất lớn cho du khách khi được mua sắm hàng hoá một cách tập trung. Đồng thời dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều chương trình khuyến mại đi kèm hoặc giảm giá trực tiếp từ phía các doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, Phó Ban thường trực tổ chức Hội chợ Việt-Trung (Lào Cai 2015), với sự thành công của lễ ký kết các cặp hợp đồng kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) tăng nhanh trong thời gian tới. Đặc biệt, xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên, đồng thời góp phần thu hẹp chênh lệch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.