Thị trường lao động việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cuối năm trở nên sôi động hẳn, bởi nhu cầu của các doanh nghiệp, người tuyển dụng, các trung tâm giới thiệu việc làm tăng cao.
Đây cũng là thời điểm người lao động tranh thủ kiếm thêm thu nhập để chi tiêu trong dịp Tết và sinh viên nghỉ sau kỳ thi, tìm việc làm thời vụ để giúp gia đình, cải thiện cuộc sống hay chi trả các chi phí trong sinh hoạt, học tập.
Nhu cầu lao động ngành bán lẻ, dịch vụ tăng cao
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm tăng cao.
Cụ thể, tháng 12/2019 cần khoảng 30.000 chỗ làm việc ở các ngành, nghề lao động đã qua đào tạo, có tay nghề, chuyên môn, năng suất lao động tốt nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng.
Tháng 1/2020 cũng là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá lớn, nhất là lao động phổ thông, làm việc thời vụ, bán thời gian.
[Nâng hạng năng lực cạnh tranh: Tiếp tục đột phá cải cách]
Đặc biệt, nhu cầu lao động ở các ngành dịch vụ thương mại, bán lẻ phục vụ khách tham quan, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí cuối năm và dịp Tết rất cao.
Cụ thể như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) đã có kế hoạch tuyển dụng hàng trăm lao động thời vụ trong dịp này.
Hầu hết các siêu thị Co.op mart đều tuyển dụng lao động các ngành như: thu ngân, kiểm kê hàng hóa xuất nhập kho, đóng gói quà Tết, dán tem khuyến mại, trưng bày sắp xếp quầy kệ; nhân viên giữ đồ, giữ xe tự động, trực quầy hàng…
Theo bà Nguyễn Kim Dung, Chủ tịch Công đoàn Sài Gòn Co.op, đây chính là cao điểm của đơn vị, ngành hàng trong thực hiện cung cấp sản phẩm tiêu dùng, các mặt hàng thiết yếu, quà tặng Tết, phục vụ người tiêu dùng.
“Nhu cầu tuyển dụng sinh viên, giải quyết việc làm cho thanh niên, phụ nữ nhàn rỗi làm việc bán thời gian trong thời điểm này còn nhằm mục đích bổ sung đội ngũ nhân viên trong những ngày cao điểm bán hàng, đóng gói quà. Việc bổ sung thêm lực lượng ca kíp lao động mới cũng nhằm hỗ trợ một số nhân viên, người lao động nghỉ ngơi, về quê đón Tết…,” bà Nguyễn Kim Dung chia sẻ.
Tương tự, hệ thống các siêu thị Big C, Lotte Mart, siêu thị Nippon Suba cũng có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động thời vụ Tết 2020 trên phạm vi toàn quốc.
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn tuyển lực lượng bảo vệ trực đường hoa Nguyễn Huệ; cụm rạp chiếu phim khu vực quận Bình Tân, Bình Chánh, Quận 6, 7 tuyển các vị trí soát vé, bán vé, chăm sóc khách hàng, giám sát… làm việc 24/7 với mức lương từ 25.000-40.000 đồng/giờ cùng với cơm ăn giữa ca.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn, điểm vui chơi, giải trí đã chủ động tăng lương, thưởng nhằm thu hút lao động, nhất là nhân viên phục vụ, bán hàng, giữ xe, vận chuyển hàng, bảo vệ trong những ngày Tết.
Theo bà Lê Thị Cẩm Tư, Chuyên viên nhân sự Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn KFC Việt Nam, do doanh nghiệp phải hoạt động hết công suất trong các ngày Tết, nên có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động thời vụ và bán thời gian với mức lương bình quân 50.000 đồng/giờ.
“Đặc biệt, lao động thời vụ làm trong 7 ngày Tết (tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) tiền lương sẽ tăng gấp 3 lần. Các ứng viên sẽ được đào tạo đầy đủ, chỉ cần làm việc siêng năng, chịu khó, mỗi ca từ 5-8 giờ,” bà Lê Thị Cẩm Tư chia sẻ.
Thống kê từ các trung tâm giới thiệu việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố cùng nhiều trang web tìm việc, giới thiệu việc làm cho thấy nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tuyển dụng lao động vào thời điểm này.
Đây còn được xem là mùa gia tăng doanh thu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải trí… nên nhu cầu lao động ngành bán lẻ, dịch vụ tăng cao.
Việc làm dịp Tết nhiều, thu nhập hấp dẫn
Khảo sát từ nhiều đơn vị tuyển dụng và Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mức lương trung bình trong dịp Tết năm nay dao động từ 19.000-50.000 đồng/giờ, hoặc 140.000-400.000 đồng/ngày, tùy theo thời gian, thời điểm làm việc và khối lượng công việc.
Riêng các ngày Tết, doanh nghiệp thường trả lương cao gấp đôi, gấp ba hoặc tặng quà, lì xì Tết cho lao động làm việc thời vụ…
Theo Nguyễn Ngọc Uyên Chi, sinh viên năm 3 trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, năm đầu vì nhớ nhà, nhớ gia đình nên tranh thủ về quê ngay sau khi nhà trường thông báo nghỉ Tết.
Nhưng từ năm thứ 2 đến nay, Uyên Chi cũng quen dần và theo các anh chị đi trước tìm việc làm thêm để trang trải học phí hay mua sắm thêm dụng cụ học tập.
“Tết năm nay cũng vậy, em không về quê mà muốn tìm việc làm thêm như bán hàng, tiếp thị, thu ngân hay chăm sóc khách hàng từ 15/1 (tức 21 tháng Chạp) đến hết 2/2 (tức mùng Chín Tết). Ngoài mục đích kiếm tiền phụ giúp gia đình, giải quyết chi tiêu cá nhân, em cũng muốn rèn luyện khả năng giao tiếp và mạnh dạn hơn sau khi đi làm thêm,” Uyên Chi chia sẻ.
Tương tự, chị Đinh Thị Thanh Tâm, công nhân đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung, quê ở Thanh Hóa, cũng đã lên mạng tìm việc làm Tết từ hơn tuần nay, để kiếm thêm thu nhập trang trải các khoản chi phí gia đình, hay mua sắm Tết.
Theo chị Thanh Tâm, cận Tết sẽ có việc làm nhiều và mức lương cao hơn ngày thường nên có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong dịp này. Những việc làm phù hợp với thời gian chị làm tại khu chế xuất trong dịp Tết này là phụ giúp thu dọn nhà cửa vào ngày cuối tuần, đóng gói quà Tết, trông coi hay bán hàng từ chiều tối mỗi ngày…
“Chi tiêu trong dịp Tết thường đắt đỏ, nên gia đình cũng không mua sắm gì. Còn việc về quê mình để ra Tết hoặc vào đầu hè sẽ tiết kiệm được nhiều hơn,” chị Đinh Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Theo ông Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của toàn thành phố là 30.000 chỗ làm việc trong tháng 12, có khoảng 10.000 việc làm thời vụ và hơn 3.000 vị trí việc làm dành cho sinh viên.
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng thời vụ của gần 300 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và mỗi ngày đều có khá đông sinh viên đến tìm hiểu, đăng ký nhận việc làm thêm.
Thống kê từ các trung tâm giới thiệu việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố cùng nhiều trang mạng tìm việc, giới thiệu việc làm cho thấy nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tuyển dụng lao động vào thời điểm này.
Đây còn được xem là mùa gia tăng doanh thu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí… nên cần rất nhiều lao động ngắn hạn.
Tuy nhiên, đặc thù của việc làm thời vụ là cả người tuyển và người làm đều chỉ có nhu cầu trong một khoảng thời gian ngắn, không gắn bó lâu dài; nhiều kênh thông tin mở rộng tuyển dụng lao động ảo hay với chiêu bài "việc nhẹ, lương cao" khiến nhiều vụ việc dở khóc, dở cười; tiền mất, tật mang…
Vì thế, ông Lê Xuân Dũng khuyến cáo người tìm việc nên theo dõi thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; nắm rõ số lượng, yêu cầu và thời điểm cần cụ thể những việc làm lao động thời vụ cuối năm để có thể tìm công việc phù hợp.
Các chuyên gia lĩnh vực lao động việc làm cũng khuyến nghị, người tìm việc hay cá nhân tìm người làm lưu ý, nên đăng ký giao dịch tại các trang mạng tuyển dụng uy tín hay các đơn vị có cơ quan chủ quản là nhà nước, tổ chức đoàn thể như: Trung tâm hỗ trợ việc làm Nhà văn hóa Thanh niên; Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố và các quận, huyện để tránh bị môi giới, gài bẫy, thu phí.
Những trang mạng tuyển dụng (như viecngay.vn, hotjobs, topcv) có ghi thông tin rõ ràng, cụ thể thường là điểm đáng tin cậy sẽ đem lại cho người lao động tìm việc phù hợp và cũng là nơi nhiều sinh viên tìm kiếm thông tin việc làm…
Ngoài ra, cả hai bên (tuyển dụng và người lao động) cần gặp gỡ thảo luận rõ về chi tiết công việc phải làm, thời gian và phương thức trả lương; nên có hợp đồng bằng văn bản dù đã có đơn vị, trung tâm giới thiệu và cũng để hạn chế tranh chấp phát sinh trong quá trình lao động./.