Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa Quốc gia, thực hiện Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ba Bộ Công Thương, Tài chính và Giao thôngVận tải đã tiến hành thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia với các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với tàu biển tại cảng biển quốc tế (thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng), thủ tục hải quan điện tử theo Nghị định 87/2013/NĐ-CP; thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu theo Hiệp định ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong ASEAN.
Các Bộ này đang chuẩn bị về mặt kỹ thuật để kết nối hệ thống thông quan điện tử và e-Manifest (của Tổng cục Hải quan), hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ - eCOSys (của Bộ Công Thương) và Cổng thông tin tàu biển xuất nhập cảnh thuộc Cục Hàng hải Việt Nam với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tổng cục Hải quan đã chủ động tổ chức đào tạo cho các hãng vận tải, đại lý vận tải về việc khai báo thông tin tàu biển để kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành khác đã có kế hoạch triển khai các chương trình, dự án liên quan như dự án Biên phòng điện tử của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), dự án VNACCS/VCIS (cấu phần cơ chế một cửa) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Hải quan Việt Nam.
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia đã có kế hoạch xây dựng đề án “Thí điểm mô hình bộ máy kiểm tra hàng hóa chung của các ngành, cơ quan tại cửa khẩu.”
Để đảm bảo kết nối các Bộ, ngành trong cơ chế kiểm tra chung cũng như phục vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, Cơ quan thường trực cũng đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát và chuẩn hóa danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc chịu sự quản lý chuyên ngành để thống nhất thực hiện theo Công ước quốc tế về Hệ thống điều hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS) mà Việt Nam đã tham gia.
Tuy nhiên, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia cho rằng việc xây dựng mô hình bộ máy kiểm tra hàng hóa chung tại cửa khẩu là công việc khó, phức tạp, cần phải có sự phối hợp nghiên cứu, trao đổi giữa các bộ, ngành chức năng có lực lượng tham gia kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành kiến nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phê duyệt cơ chế tài chính đặc thù để triển khai nội dung công việc theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng triển khai cơ chế hải quan một cửa một phần vì cam kết của Việt Nam với ASEAN nhưng cũng mang lại lợi ích cho chính Việt Nam.
Hiện nay, sự phối kết hợp của các bộ, ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu còn hạn chế, mỗi đơn vị làm theo một cách riêng dẫn đến mất thời gian, ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa. Việc triển khai chương trình còn chậm và lúng túng, có bộ, ngành chưa hình dung hết công việc phải làm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc kết hợp kiểm tra chung giữa các bộ, ngành sẽ giúp cho thông quan hàng hóa, qua lại cửa khẩu nhanh hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn, đỡ tốn kém hơn và điều này hoàn toàn có thể làm được.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tích cực, chủ động triển khai các công việc liên quan, đặc biệt là các Bộ Công Thương, Tài chính, Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa đối với các thủ tục đang thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn.
Đồng tình với đề nghị của các Bộ về cơ chế tài chính đặc thù, song Phó Thủ tướng yêu cầu phải kê ra được những công việc cần triển khai trong những tháng cuối năm 2013 và lập kế hoạch nội dung, dự toán năm 2014.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, Tổng cục Hải quan tổng hợp đưa vào dự toán ngân sách năm 2014. Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm khai trương Cổng thông tin một cửa quốc gia./.