Theo Nghị định 109/2010 của Chính phủ, để tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện được quy định. Theo đó, doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu, kho dự trữ từ 5.000 tấn, nhà máy xay xát, chế biến, được cấp giấy phép xuất khẩu, tham gia Hiệp hội Lương thực Việt Nam và nằm trong danh sách 150 doanh nghiệp được phê duyệt xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, trước biến động của thị trường gạo thế giới, quy hoạch phát triển nông nghiệp trong nước, những điều kiện này trở nên “lạc hậu.” Tuy nhiên, để thay đổi các điều kiện này là vấn đề nan giải.
Không khống chế số lượng doanh nghiệp xuất khẩu
Qua chương trình hành động của Chính phủ về phát triển ngành gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhiều doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cho rằng chuỗi ngành gạo phát triển được là nhờ vào nhiều yếu tố như nông dân sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm từ gạo, doanh nghiệp và tiểu thương thu mua trung gian, hệ thống nhà máy xay xát... Vì vậy, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều là một mắt xích trong phát triển chuỗi này.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, trên thực tế, những doanh nghiệp nhỏ không đủ sức để xoay chuyển thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, chính những doanh nghiệp nhỏ sẽ làm chuỗi ngành gạo phát triển hoàn thiện hơn.
Ngoài việc xuất khẩu gạo, chuỗi ngành gạo còn có nhiều lĩnh vực chế biến liên quan đến gạo. Ngoài sản phẩm gạo 5% tấm và 25% tấm thì hiện còn nhiều sản phẩm gạo khác như gạo thơm jasmine, gạo nếp, gạo chất lượng cao với giá trị cao cung cấp cho phân khúc thị trường nhỏ. Do đó, với những dòng sản phẩm chất lượng cao lại có những doanh nghiệp nhỏ tham gia xuất khẩu vì dòng sản phẩm này không thể mở rộng diện tích lớn để xuất khẩu theo sản lượng lớn. Nếu khống chế số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo vô hình chung biến nền kinh tế lúa gạo Việt Nam thành nền kinh tế xuất khẩu thô, xuất khẩu giá trị thấp là chủ yếu.
Đồng tình với ý kiến của ông Võ Hùng Dũng, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực thực phẩm Long An, chia sẻ Nghị định 109/2010 cần sửa đổi về quản lý số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, không cần khống chế số lượng doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp nhỏ, hoặc các doanh nghiệp chỉ tham gia xuất khẩu trong thời gian ngắn, không có khả năng làm đảo lộn thị trường, nhưng để đảm bảo được các doanh nghiệp đoàn kết, hỗ trợ nhau trong phát triển thị trường cũng như phát triển bền vững, nhà nước phải có giải pháp quản lý các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu này. Tránh trường hợp các doanh nghiệp có hiện tượng phá giá, cạnh tranh khách hàng.
Theo bà Liên, trên thực tế, khách hàng cố tình hạ giá với vài doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích lũng đoạn ngành gạo trong nước, đây cũng là cách làm cho chính các doanh nghiệp trong nước triệt tiêu lẫn nhau, khó phát triển lâu dài.
Theo ông Dũng, bất cập trong Nghị định 109 là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, họ có thể tham gia xuất khẩu mà không cần chờ cấp phép, không cần đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Toàn bộ sản lượng xuất khẩu đều được Tổng cục Hải quan thống kê chi tiết hàng tháng. Do đó, việc giảm cấp giấy phép, giảm đăng kí hợp đồng giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí, thuận lợi trong việc tìm kiếm thị trường, sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Tự ý thức xây dựng vùng nguyên liệu
Hiện khi chấp nhận tham gia vào thị trường nước nhập khẩu thì chính doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội, xử lý môi trường khi sản xuất, các loại thuế chống bán phá giá, đi kèm với các tiêu chí truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nhấn mạnh điều kiện bắt buộc xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu gạo vốn là điều mà các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đều phải tự làm. Nếu không đáp ứng được điều này thì doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu. Cho nên Nghị định 109 không nên duy trì điều kiện này để bắt buộc doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải thực hiện.
Tuy nhiên, với nhiều đơn hàng khác nhau, số lượng lớn thì việc xây dựng vùng nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần đơn hàng đã ký kết, số còn lại doanh nghiệp cũng phải tự xoay xở ở những địa phương khác. Song song với việc xây dựng vùng nguyên liệu, khi một doanh nghiệp muốn kí hợp đồng xuất khẩu với khách hàng nước ngoài thì họ đã phải tự đảm bảo nguồn hàng hiện có trong kho. Vì vậy, chính doanh nghiệp cũng phải có kho chứa hoặc thuê kho chứa mới đảm bảo giao hàng đúng thời gian quy định, ông Ngô Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn ADC chia sẻ.
Ông Võ Hùng Dũng cũng nhấn mạnh rằng điều kiện bắt buộc phải có vùng nguyên liệu vô hình trung loại trừ các doanh nghiệp nhỏ tham gia xuất khẩu các sản phẩm gạo chế biến giá trị cao, gạo thực phẩm chức năng, các phụ phẩm từ lúa gạo, mà những sản phẩm này là một phần trong chuổi giá trị lúa gạo Việt Nam.
Trên thị trường thế giới, những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này chiếm số ít, nhưng có liên quan đến thương hiệu và chuỗi sản phẩm trong nước. Vì vậy, vùng nguyên liệu chỉ nên là một diện tích mở để doanh nghiệp thực hiện vừa đúng với yêu cầu đơn hàng xuất khẩu.
Đồng thời, với ý thức tự giác xây dựng vùng nguyên liệu theo đơn đặt hàng này của doanh nghiệp cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tránh hiện tượng chồng chéo, xâm lấn vùng nguyên liệu của nhau khi họ phát triển thị trường, nâng cao đơn hàng mà lượng hàng có trong kho không đủ cung cấp, ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt cho biết thêm./.