Sơn La: Bản người Mông vẫn chìm trong nước sau bão số 2

Đã hơn 10 ngày kể từ khi hoàn lưu cơn bão số 2 đi qua, đến nay bản Phiêng Luông, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vẫn bị ngập chìm trong biển nước.
Sơn La: Bản người Mông vẫn chìm trong nước sau bão số 2 ảnh 1Ngập tại Sơn La do hoàn lưu bão số 2. (Ảnh minh họa: Công Luật/TTXVN)

Đã hơn 10 ngày kể từ khi hoàn lưu cơn bão số 2 đi qua, đến nay, bản Phiêng Luông, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vẫn bị ngập chìm trong biển nước.

Con đường chính vào bản đã bị ngập, Phiêng Luông hoàn toàn bị cô lập so với bên ngoài khiến cuộc sống của người dân nơi dây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, gặp rất nhiều khó khăn.

Để vào được bản Phiêng Luông, chúng tôi phải men theo con đường mòn chạy quanh co theo các triền núi, mặt đường đầy đất đá lởm chởm với chiều rộng chưa đầy 1m, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Khi chiếc xe máy tưởng chừng như không thể chạy nổi nữa thì chúng tôi mới đến được đoạn đường bị ngập nước.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đi bộ, men theo con đường mòn trong rừng, trèo qua các mỏm núi đá nhọn sắc với độ cao ngày một tăng. Khi đôi chân đã mỏi rã rời, lòng bàn tay chi chít các vết xước do phải bám vào đá, chúng tôi mới tới được bản Phiêng Luông vào lúc giữa trưa.

Ông Sùng Tòng Lử, Trưởng bản Phiêng Luông cho biết nước dâng cao bắt đầu từ chiều 20/7, gây nên ngập úng nghiêm trọng, chỗ ngập sâu nhất vào khoảng 60m. Hiện trong bản có 16 ngôi nhà của các hộ dân bị ngập trong nước, gần 70ha diện tích hoa màu của bà con trong bản bị nước nhấn chìm. Con đường duy nhất từ bản đi ra huyện, ra xã đã bị ngập, không thể đi được.

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều ngôi nhà của các hộ dân bị ngập đến gần nóc nhà, còn các hộ ở trên cao thì cũng bị ngập 30-50cm. Rất may khi nước dâng cao, các hộ dân ở đây đã kịp di chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm đi nơi khác nên không bị thiệt hại về người cũng như tài sản. Hiện nước rút rất chậm do người dân bản Phiêng Luông định cư ở địa hình phức tạp, phần lớn là thung lũng. Cuộc sống của 41 hộ dân tộc Mông nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

Ông Sùng Vả Của, Chủ tịch Hội Nông dân bản Phiêng Luông cho biết mặc dù mấy ngày nay trời nắng to nhưng nước rút rất chậm. Theo ông Của, phải hơn 1 tuần nữa nước mới rút hết. Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con trong bản chuyển gia súc, gia cầm vào trong rừng, đồng thời tuyên truyền vận động người dân không vứt rác bừa bãi ra môi trường xung quanh.

Thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây dựa vào cây ngô và lúa, tuy nhiên hiện nay hầu hết diện tích hoa màu của người dân đều bị ngập trong nước nhiều ngày, nên khả năng mất trắng sản lượng ngô, màu vụ này rất cao.

Bà Vừ Thị Sinh, người dân trong bản than thở: "Nước lũ dâng cao nhanh quá, chúng tôi chỉ kịp thu dọn mấy đồ đạc quan trọng thôi, còn ít thóc để trong nhà bị ngập hết. Gia súc thì đem thả vào rừng, giờ chúng tôi không còn cái gì nữa, trong nhà không còn cái ăn, không biết rồi sẽ sống ra sao đây."

Ông Lầu Vả Sỉ, một người dân có nhà bị ngập, tâm sự các hộ trồng cây nông nghiệp ở đây hầu hết đều nợ tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các công ty dịch vụ. Đến cuối vụ, sau khi bán được sản phẩm, họ mới đem trả tiền. Tuy nhiên, năm nay, đa số diện tích hoa màu trong bản đều bị mất trắng, đến cuối vụ, người dân chưa biết lấy gì để trả.

Hiện các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vẫn được đảm bảo, một số hộ dân bị ngập đã được chính quyền bố trí vào nhà văn hóa của bản để ở tạm, nhiều hộ khác dọn ra ở nhờ bà con trong bản chưa bị ngập nước.

Ông Mùa Giống Chía, một hộ dân bị ngập cho biết bản này năm nào cũng bị ngập. Người dân mong muốn các cấp chính quyền sớm quan tâm tạo điều kiện bố trí chỗ ở khác để họ có một cuộc sống ổn định, yên tâm phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phổng Lái cho biết xã đã báo với chính quyền cấp huyện, tỉnh để cấp trên có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ bà con về lương thực và cây giống ngắn ngày để khi nước rút bà con tiếp tục tái sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục