Sơn La khai thác lợi thế, mở rộng vùng sản xuất nông sản tập trung

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp trong việc tái cơ cấu phát triển nông nghiệp.
Sơn La khai thác lợi thế, mở rộng vùng sản xuất nông sản tập trung ảnh 1Người dân tại huyện Yên Châu thu hoạch nhãn. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Với tiềm năng, lợi thế thuận lợi về đất đai, khí hậu, những năm qua, tỉnh miền núi Sơn La đã tập trung đẩy mạnh phát triển cây ăn quả và phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Qua đó, nông nghiệp của Sơn La đã có bước phát triển mạnh mẽ, khai thác được các lợi thế của địa phương để khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.    

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp trong việc tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp.

Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, hiện có 12 thành viên, quy mô trên 100 ha nhãn. Những năm qua, các thành viên hợp tác xã đã sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ.

Do đó, sản lượng nhãn của hợp tác xã ước đạt trung bình 12 tấn quả tươi/ha. 

Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn chia sẻ, từ năm 2016, hợp tác xã đã chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP và đến nay đã được cấp mã số vùng trồng.  

Còn đối với Công ty cổ phần thương mại Duy Khánh, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, mấy năm này, công ty đã mạnh dạn đưa giống nho hạ đen và giống nho sữa vào trồng. 

[Nông nghiệp bền vững: Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp]

Với gần 2ha nho trồng trong nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới tự động, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên được người tiêu dùng ưa chuộng, vụ năm nay, công ty thu hoạch khoảng 15 tấn nho, doanh thu ước đạt trên 2,2 tỷ đồng. Hiện, công ty đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nho lên 5-6 ha.   

Ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Duy Khánh cho biết, công ty phần lớn trồng nho trong nhà lưới, nhà kính, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết và khí hậu. Trồng nho rủi ro ít, nhưng yêu cầu cao, nhất là phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, người trồng nho phải biết cách bón phân, tưới nước, phun thuốc để đảm bảo chất lượng và sản lượng quả nho.  

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã chuyển đổi trên 60.000ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt trên 82.800ha; trong đó, diện tích cây ăn quả áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GAP khác đạt trên 1.500ha.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La có diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu là 241 mã với hơn 3.865ha; 156 chuỗi quả an toàn, sản lượng gần 40.600 tấn/năm; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 25 sản phẩm OCOP được sản xuất từ hoa, quả. 

Nhờ đưa giống cây ăn quả mới cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt vào sản xuất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu quả phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Vị vậy vị thế, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm quả của Sơn La được nâng lên trên thị trường trong và ngoài nước. 

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để phát triển nông nghiệp tốt hơn nữa, tỉnh Sơn La cần tăng cường quy hoạch sản xuất theo từng vùng; đầu tư khoa học công nghệ và chuyển giao khoa công nghệ cho từng đối tượng sản phẩm mang tính đặc thù để phát triển sản phẩm đó có hiệu quả cao nhất.

Trong đó, vấn đề về lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất…

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch lại các vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn phục vụ cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu; áp dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ làm nòng cốt nhằm tạo ra những nông sản có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, Sơn La thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản

Từ nay đến 2025, tỉnh Sơn La đã xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây ăn quả thành ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời gắn với cơ cấu lại và hiện đại hóa ngành nông nghiệp.

Sơn La khai thác lợi thế, mở rộng vùng sản xuất nông sản tập trung ảnh 2Huyện Mộc Châu hiện có hơn 3.200ha trồng mận. (Ảnh: Hữu Quyết/ TTXVN)

Tỉnh Sơn La cũng phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 105.000ha cây ăn quả và sản lượng đạt tầm 600.000 tấn. 

Trong suốt giai đoạn 2016-2022, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của tỉnh Sơn La liên tục đạt tốc độ tăng cao. Hiện, tỉnh Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả các loại đạt trên 82.800ha, với sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm.

Là doanh nghiệp hoạt động tại Sơn La, Trung tâm chế biến rau quả Doveco đang trở thành một trong những đầu tàu, dẫn dắt giúp địa phương phát triển vùng nguyên liệu theo hướng quy mô hàng hóa có sự liên kết giữa công ty và người dân trong phát triển các loại cây ăn quả phục vụ cho nhà máy chế biến. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La cho biết, Trung tâm đã hoàn thành giai đoạn 1 và dự kiến trong tháng 9 này sẽ đi vào hoạt động đồng bộ. Như vậy, với công suất 52.000 tấn sản phẩm 1 năm thì nhu cầu đáp ứng cho Trung tâm cần từ 130.000-170.000 nguyên liệu các loại trong một năm.

Cùng với đó, từ những năm 2019 đến, Trung tâm đã triển khai các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đến nay, Trung tâm đã triển khai được gần 500ha dứa, 200 chanh leo; đồng thời, mỗi một vụ, triển khai khoảng 500 đến 700ha ngô ngọt và đậu tương, rau. 

Là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Sơn La, Hợp tác xã nông nghiệp Quý Huy, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, hiện có quy mô sản xuất 20 ha trồng xoài, với 15 thành viên tham gia trồng và chăm sóc xoài.

Hàng năm, hợp tác xã tiêu thụ ra thị trường từ 200 đến 250 tấn quả. Các thành viên tham gia vào hợp tác xã đều tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc HTX nông nghiệp Quý Huy chia sẻ, hợp tác xã có diện tích xoài khoảng 20 ha; trong đó, có 3 ha làm theo VietGAP. Việc chăm sóc xoài được đơn vị khuyến nông hướng dẫn cụ thể nên trái xoài đạt khối lượng cũng như hình thức, mẫu mã đẹp và được chứng nhận VietGAP. 

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục tăng cường, đổi mới các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản. Đồng thời, tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm chế biến đóng gói tại địa phương.

Ngoài ra, Sơn La tiếp tục hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của địa phương. 

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La thông tin, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển vùng cây ăn quả; trong đó, tập trung thâm canh, đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng các vùng cây ăn quả.

Đồng thời, Sơn La tiếp tục tập trung cao vào xây dựng mã số vùng trồng và các giải pháp đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La trong những năm qua đã không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người nông dân thông qua việc thu hút các nhà máy chế biến quả và phát triển hợp tác xã sản xuất, chế biến quả, góp phần thực hiện thắng lợi về tổ chức sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.