Sống chậm trong tình trạng khẩn cấp ở Tokyo để đẩy lùi COVID-19

Lo lắng và bất an khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo công bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh thành nhưng đa số người dân ở nước này ủng hộ quyết định này của chính phủ.
Sống chậm trong tình trạng khẩn cấp ở Tokyo để đẩy lùi COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 28/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đôi chút lo lắng và bất an là tâm trạng chung của người dân Nhật Bản sau khi Thủ tướng Abe Shinzo quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, đa số người dân ở đất nước Mặt Trời mọc đều ủng hộ quyết định này của người đứng đầu chính phủ, bởi vì họ hiểu rằng nếu không có các biện pháp quyết liệt, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Điều đó, nếu xảy ra, không chỉ gây ra các thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế mà còn có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Tối 7/4, tại ga Shibuya, một trong những ga đông đúc nhất ở thủ đô Tokyo, nhiều hành khách đã nhận được thông tin về việc Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp qua điện thoại di động. Họ chăm chú đọc thông tin đó với khuôn mặt không giấu được sự căng thẳng.

[Những điểm khác biệt về lệnh tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản]

Khi Thủ tướng Abe bắt đầu cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo vào lúc 19 giờ tối 7/4 để lý giải về quyết định của mình, nhiều người đã tạm dừng công việc để theo dõi cuộc họp được phát trực tiếp trên truyền hình.

Chị Remi Meguro, một nhân viên văn phòng ở Tokyo, chia sẻ: “Tôi thực sự cảm thấy lo ngại về tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Nhật Bản, nhất là ở thủ đô Tokyo. Tôi e rằng hệ thống y tế của thành phố có thể sẽ sụp đổ nếu số ca nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng. Chính vì vậy, tôi ủng hộ quyết định của Thủ tướng Abe cho dù việc ban bố tình trạng khẩn cấp có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của bản thân.”

Trước khi Thủ tướng Abe đưa ra quyết định trên, số người mắc COVID-19 ở nhiều thành phố lớn của Nhật Bản đã tăng nhanh một cách đáng báo động.

Riêng tại Tokyo, vào ngày 24/3, thời điểm ông Abe thông báo lùi thời gian tổ chức Thế vận hội Olympic 2020, tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này mới chỉ là 171.

Tuy nhiên, trong các ngày sau đó, số ca mắc bệnh đã liên tục tăng và vượt ngưỡng 1.000 người vào ngày 5/4.

Tính đến 21 giờ ngày 7/4, tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tokyo đã lên tới 1.195, trong đó có 31 người tử vong.

Đáng chú ý, giới chức y tế thành phố đã không thể xác định được con đường lây truyền của nhiều ca nhiễm.

Thủ tướng Abe cảnh báo nếu tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 ở Tokyo tiếp tục duy trì như hiện nay, tổng số ca mắc bệnh tại thành phố này có thể tăng lên 10.000 trong 2 tuần nữa và 80.000 trong vòng 1 tháng.

Do sự bùng phát của dịch COVID-19, hệ thống y tế ở Tokyo và một số thành phố lớn khác ở Nhật Bản sắp rơi vào tình trạng quá tải. Một số bệnh viện đã không còn giường cho bệnh nhân.

Chính quyền Tokyo đã phải huy động một số khách sạn để làm chỗ ở cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Nhiều người lo ngại tốc độ lây lan của SARS-CoV-2 có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống y tế, làm tê liệt nền kinh tế và tác động tiêu cực tới cuộc sống của hàng triệu người.

Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vào lúc này, vì thế, được đánh giá là không thể đảo ngược.

Một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, nhịp sống ở thủ đô Tokyo dường như đã chậm lại. Các trung tâm thương mại lớn như Isetan hay Mitsukoshi và các cơ sở giải trí như rạp chiếu phim đều đóng cửa. Hầu hết các con phố đều trở nên vắng lắng hơn so với mọi ngày.

Người dân Tokyo đã an tâm phần nào khi hầu hết các dịch vụ thiếu yếu như điện, nước, khí đốt, điện thoại và Internet vẫn được duy trì, trong khi các dịch vụ khác như ngân hàng và bưu chính vẫn hoạt động nhưng với số nhân viên ít hơn.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích và cửa hàng thuốc vẫn mở cửa như bình thường, trong khi hệ thống giao thông công cộng vẫn hoạt động.

Đối với một số người, tình trạng khẩn cấp gần như không làm thay đổi cuộc sống khi họ có thể làm việc từ xa.

Sống chậm trong tình trạng khẩn cấp ở Tokyo để đẩy lùi COVID-19 ảnh 2Người dân Nhật Bản theo dõi tin tức về việc Thủ tướng Shinzo Abe dự định sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ngày 6/4/2020. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, nhất là những công nhân làm việc tại các nhà máy và những người mà công việc không cho phép họ làm việc từ xa.

Với những người này, điều họ lo lắng nhất vào thời điểm hiện nay không phải là việc mình có nhiễm bệnh hay không, mà là khi nào họ có thể bắt đầu làm việc trở lại.

Như tâm sự của anh Kingo Yoshida, chủ cửa hàng cắt tóc ở quận Shibuya, thủ đô Tokyo: “Tôi hiểu rằng tôi có thể bị nhiễm bệnh từ các khách hàng của mình. Tuy nhiên, nếu cửa hàng phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, tôi sẽ không có tiền để duy trì cuộc sống."

Không chỉ có người bản xứ, những người Việt Nam sinh sống và làm việc ở đất nước Mặt Trời mọc cũng có chung mối băn khoăn đó, cho dù họ hiểu rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với đại dịch nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Anh Nguyễn Ngọc Thông, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là lao động ở Nhật Bản, bộc bạch không biết sẽ phải nghỉ việc trong bao lâu và thu nhập có bị ảnh hưởng hay không sau khi công ty thông báo tạm nghỉ việc từ ngày 7/4 vì phát hiện một công nhân tại công trường xây dựng sân vận động đã bị mắc COVID-19.

Chị Cao Huyền Trang, người Việt sống ở quận Shibuya, thì bày tỏ: "Tôi thật sự lo lắng cho công việc của mình."

Gia đình có con nhỏ, do tình trạng khẩn cấp, chính quyền quận đã thông báo sẽ đóng cửa các trường mẫu giáo nên chị phải nghỉ làm để trông con.

Dù vậy, chị Trang vẫn ủng hộ quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Abe, đồng thời khẳng định sẽ tuân thủ các yêu cầu của chính quyền nước sở tại.

Trên thực tế, ngay khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp có tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ yen (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 56.800 tỷ yen mà chính quyền nước này đã thông qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tương đương gần 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, bao gồm cả phần hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn.

Ngày 8/4, Thủ tướng Abe đã cảm ơn người dân vì sự hợp tác của họ sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ thoát ra khỏi tình trạng này trong một tháng nữa.

Đây cũng là hy vọng chung của nhiều người dân Nhật Bản cũng như các lao động, du học sinh, thực tập sinh Việt Nam tại Xứ sở hoa anh đào.

Trước mắt, ở một đất nước mà mọi người luôn hối hả và bận rộn bởi áp lực công việc, tất cả sẽ "sống chậm" trong thời kỳ tình trạng khẩn cấp để có thể đẩy lùi đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.