S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nền kinh tế Venezuela

Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's đã hạ tín nhiệm đối với nền kinh tế Venezuela xuống mức CCC+, mức tương đối thấp trong phân loại đánh giá đầu tư.
S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nền kinh tế Venezuela ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) ngày 16/9 đã hạ tín nhiệm đối với nền kinh tế Venezuela xuống mức CCC+, mức tương đối thấp trong phân loại đánh giá đầu tư, đồng thời đưa ra cảnh báo quốc gia Nam Mỹ này đối diện với nguy cơ vỡ nợ trong ngắn hạn.

Trong một thông báo, S&P nêu rõ quyết định hạ mức tín nhiệm xuất phát từ thực tế nền kinh tế của Venezuela suy thoái, tỷ lệ lạm phát cao trong khi các khoản nợ nước ngoài ngày càng tăng.

Theo S&P, hiện trạng này có thể khiến Chính phủ Venezuela không có khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài trong hai năm tới, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.

Tổ chức xếp hạng tín dụng trên còn đưa ra nhận định không mấy lạc quan đối với nền kinh tế Venezuela vốn đang phải đối phó với các âm mưu phá hoại của những thế lực thù địch trong và ngoài nước. S&P cảnh báo nguy cơ sẽ hạ mức tín nhiệm đối với khả năng đầu tư trung hạn của quốc gia Nam Mỹ này.

Cơ quan này dự báo năm nay Venezuela tăng trưởng âm 3,5%.

Quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nền kinh tế Venezuela của S&P được cho sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro trong công cuộc bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế, vốn chịu nhiều tác động từ các cuộc biểu tình bạo lực do phe thù địch kích động hồi tháng Hai vừa qua.

Nhằm đảm bảo đời sống cho mọi tầng lớp người dân, Chính phủ Venezuela đã triển khai nhiều chương trình phúc lợi xã hội, nhà cửa và lương thực trên toàn lãnh thổ. Bên cạnh đó, quốc gia Nam Mỹ này còn đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế mới nhằm tăng gia sản xuất, tăng cường đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ngăn chặn nguy cơ đầu giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.