S&P: Kinh tế Nga vẫn ảm đạm do trừng phạt của phương Tây

S&P ngày 16/10, nhận định triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Nga - vốn đang trong tình trạng suy thoái - sẽ vẫn còn tiếp diễn trong bối cảnh nước này đang chịu sự trừng phạt của phương Tây.
S&P: Kinh tế Nga vẫn ảm đạm do trừng phạt của phương Tây ảnh 1Cơ sở khai thác dầu LUKOIL của Nga tại mỏ dầu Korchagin ở biển Caspia ngày 7/4/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) ngày 16/10, nhận định triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Nga - vốn đang trong tình trạng suy thoái - sẽ vẫn còn tiếp diễn trong bối cảnh nước này đang chịu sự trừng phạt của phương Tây do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng như giá dầu thế giới đang ở mức thấp.

Theo đó, S&P dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Nga sẽ chỉ ở mức 0,4% trong giai đoạn 2015-2018, giảm mạnh so với mức tăng trưởng trung bình 2,4% trong bốn năm qua.

Trong khi đó S&P giữ nguyên mức đánh giá xếp hạng ngoại tệ của Nga với mức BB+ (mức đầu tư rủi ro) trong dài hạn và B (mức đầu tư rủi ro cao) trong ngắn hạn.

Hãng đánh giá tín nhiệm S&P duy trì mức nhận định thấp về kinh tế Nga dựa trên các yếu tố cơ chế chính sách, nguồn thu ngân sách và triển vọng tăng trưởng yếu của nước này.

Nhận định của S&P được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga trong tháng trước với mức suy giảm 3,8% trong năm 2015.

WB cũng đảo ngược dự báo triển vọng kinh tế Nga trong năm 2016 từ mức tăng trưởng nhẹ 0,7% thành âm 0,6% và khả năng tăng trưởng dương chỉ trở lại vào năm 2017 với con số khiêm tốn 1,5%.

Kể từ đầu năm 2015, lệnh trừng phạt từ phương Tây và giá dầu liên tục trượt dốc càng khiến nền kinh tế của quốc gia này rơi vào khủng hoảng.

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Nga đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ ở mức từ âm 3,9% đến âm 4,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.