Ngày 22/9, một ngày sau khi hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) lý giải những nỗ lực hạn chế rủi ro từ khối nợ gia tăng của nước này không đem lại tác động nhanh như dự kiến và tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc vẫn quá cao.
S&P cho rằng nỗ lực hạn chế rủi ro của Trung Quốc từ đầu năm nay tác động đến tăng trưởng tín dụng ít hơn dự đoán ban đầu.
Trước đó, S&P ngày 21/9 đã hạ một bậc xếp hạng nợ công của Trung Quốc từ AA- xuống A+. S&P là hãng xếp hạng tín nhiệm thứ 2 đưa ra quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Hồi tháng 5, hãng Moody's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn đối với nước này từ Aa3 xuống A1. Trong khi đó, hãng Fitch quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm A+ đối với Trung Quốc trong tháng 6.
[Standard & Poor's hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống A+]
Quyết định của S&P đã gia tăng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tình trạng nợ của Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng và khả năng tăng trưởng kinh tế trì trệ.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng việc S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của nước này là “một quyết định sai lầm” vì đã bỏ qua các yếu tố kinh tế mang tính nền tảng và tiềm năng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bộ Tài chính Trung Quốc khẳng định có thể duy trì sự ổn định của các hệ thống tài chính thông qua hoạt động cho vay thận trọng, nâng cao công tác giám sát của chính phủ và kiểm soát rủi ro tín dụng.
Trong quý II, kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn so với dự báo ở mức 6,9%, song các chuyên gia vẫn cảnh báo đà tăng trưởng sẽ không thể kéo dài./.