S&P nâng mức đánh giá triển vọng kinh tế Nga lên "tích cực"

Ngày 17/3, cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard and Poor's (S&P) của Mỹ đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Moskva từ mức "ổn định" lên mức "tích cực."
S&P nâng mức đánh giá triển vọng kinh tế Nga lên "tích cực" ảnh 1Thực phẩm được bày bán tại một khu chợ ở Moskva ngày 11/12/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Nga công bố ngày 17/3, cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard and Poor's (S&P) của Mỹ đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Moskva từ mức"ổn định" lên mức "tích cực."

Việc S&P điều chỉnh mức đánh giá nói trên xuất phát từ dự báo triển vọng phát triển của kinh tế Nga giai đoạn 2017-2020, theo đó kinh tế nước này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 1,7%/năm sau 2 năm rơi vào suy thoái do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cùng với những đánh giá tích cực trên, báo cáo của S&P chỉ ra những "rào cản" đối với sự phát triển của kinh tế Nga như giá cả hàng hóa khá thấp và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

S&P đánh giá lĩnh vực ngân hàng của Nga hiện vẫn còn "dễ bị tổn thương" mặc dù đã xuất hiện một số dấu hiệu ổn định.

S&P cho biết cơ quan này có thể tiếp tục nâng mức xếp hạng tín dụng của Nga nếu kinh tế quốc gia châu Âu này thích nghi được với giá dầu thấp, trong khi vẫn đảm bảo vị thế mạnh mẽ về giá trị tài sản ròng ở nước ngoài song song với việc giảm nợ công.

Trong vài tháng qua, kinh tế Nga đã đi vào ổn định sau khi suy thoái ảnh hưởng đến sức mua của người dân cũng như khiến nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo.

Đồng nội tệ ​ruble của Nga không ngừng tăng giá trong thời gian này. Trong tháng 2 vừa qua, việc giá dầu tăng trở lại đã khiến lần đầu tiên kể từ 6/2015, đồng ruble đạt tỷ giá gần 60 ​ruble/1 euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.