SPMB đốc thúc dự án truyền tải điện phía Nam hoàn thành đúng tiến độ

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dự án đi qua để giải quyết các vướng mắc trong đầu tư, xây dựng, thi công của các dự án lưới điện.
SPMB đốc thúc dự án truyền tải điện phía Nam hoàn thành đúng tiến độ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2021 vừa qua là một năm đầy sóng gió đối với nền kinh tế cả nước nói chung và đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam khi phải hứng chịu sự ảnh hưởng của làn sóng đại dịch COVID-19 hoành hành.

Dịch bệnh cùng với tình hình diễn biến thời tiết khó khăn dẫn đến nhiều dự án truyền tải điện bị đình trệ, các dự án tiến triển chậm do các khó khăn vướng mắc kéo dài trong thủ tục đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng mạnh...

Là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, thi công các công trình lưới truyền tải điện trong khu vực tâm dịch, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) đã nỗ lực vượt qua những khó khăn thử thách để hoàn thành nhanh các dự án được giao.

Hoàn thành 100% kế hoạch

Theo báo cáo của SPMB, do diễn biến của đại dịch COVID-19 và các khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, SPMB đã có công văn số 11734/TTr-SPMB ngày 17/10/2021 báo cáo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia EVNNPT cho phép dời tiến độ hoàn thành đóng điện trong kế hoạch năm 2021 sang kế hoạch đóng điện 2022, gồm 6 dự án và bổ sung đóng điện 1 dự án ngoài kế hoạch.

Vì vậy, số dự án hoàn thành đóng điện trong năm 2021 mà SPMB phải thực hiện là 11 dự án và đến nay, SPMB đã hoàn thành kế hoạch đóng điện.

Các công trình SPMB chuẩn bị đầu tư, xây dựng và khởi công cũng được ban lãnh đạo đơn vị quán triệt triển khai nhiệm vụ tới các phòng ban để chủ động triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch giao của EVNNPT; trong đó, hoàn thành kế hoạch khởi công là 9/9 dự án.

Nổi bật nhất, SPMB đã khởi công sớm 2 dự án là Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu và đường dây đấu nối và dự án cải tạo đường dây 220 kV Cà Mau 2-nhiệt điện Cà Mau.

[Kiến nghị sớm giải quyết mặt bằng dự án đường dây 500kV mạch 3]

Dự án cải tạo đường dây 220kV Cà Mau-Nhiệt điện Cà Mau đã đóng điện vượt tiến độ 6 tháng. Ngoài ra, dự án Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu và đường dây đấu nối, SPMB nghiệm thu đóng điện thành công đường dây 220 kV đấu nối Vĩnh Châu-rẽ Long Phú-Sóc Trăng đã sớm hơn 3 ngày so với nhiệm vụ EVNNPT giao.

Về quản lý tiến độ, SPMB thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu tại công trường và tổ chức họp với các nhà thầu xây lắp, tư vấn, để kiểm điểm tiến độ phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc đối với các dự án cấp bách, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia.

Lãnh đạo SPMB và các bộ phận chức năng thường xuyên bám sát hiện trường để nắm bắt tiến độ thi công; xác định chính xác việc bố trí nhân lực, phương tiện của nhà thầu theo yêu cầu khối lượng công việc nhằm can thiệp và điều chỉnh kịp thời; xử lý nghiêm túc các trường hợp thực hiện không đảm bảo theo hợp đồng.

Mặt khác, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, quản lý đầu tư xây dựng và tiến độ... Nhờ đó, các chỉ tiêu về dự án khởi công và đóng điện và giá trị khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành đều đạt và vượt so với kế hoạch giao của EVNNPT. Cùng với đó, các công trình đều đảm bảo chất lượng và đóng điện vận hành an toàn...

Đẩy nhanh tiến độ

Kế hoạch đề ra, trong năm 2022, SPMB tiếp tục phấn đấu hoàn thành 100% nhiệm vụ kế hoạch đầu tư xây dựng được EVNNPT giao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, việc tập trung thi công, bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, đơn vị tiếp tục phát huy năng lực đồng thời tìm ra các sáng kiến mới có tính áp dụng thực tiễn cao, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Cùng với đó, SPMB phối hợp với địa phương giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dự án đi qua để giải quyết các vướng mắc trong đầu tư, xây dựng, thi công của các dự án lưới điện trên địa bàn theo sơ đồ của Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Ông Trương Hữu Thành, Giám đốc SPMB cho biết SPMB được Tổng công ty truyền tải điện quốc gia giao nhiệm vụ khởi công 9 dự án, gồm 4 dự án 500 kV và 5 dự án 220 kV. Đây là các dự án quan trọng, tăng cường khả năng cung cấp điện cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và các nhu cầu dân sinh.

Bên cạnh đó, các dự án sẽ giải quyết nhu cầu phụ tải tăng cao của khu vực, cung cấp điện liên tục, an toàn, ổn định, nâng cao độ tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thu hút nhà đầu tư của các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, các dự án này đảm bảo phát triển an ninh năng lượng quốc gia theo Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và thực hiện chương trình hành động theo Nghị quyết 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ.

SPMB đốc thúc dự án truyền tải điện phía Nam hoàn thành đúng tiến độ ảnh 2Đội vận hành đường dây truyền tải điện Lâm Đồng (Công ty Truyền tải điện 3) sử dụng thiết bị bay kiểm tra đường dây 500kV mạch 2 đoạn qua đèo Bảo Lộc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

SPMB cũng đã tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền nhằm giải quyết thấu đáo về bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời xây dựng chương trình hành động, phát động các phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đóng điện dự án; triển khai các hoạt động an sinh xã hội, cùng với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết các vướng mắc, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng thi công các dự án lưới điện của khu vực...

Với tầm quan trọng của các dự án và trách nhiệm của địa phương trong bồi thường giải phóng mặt bằng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành, các cơ quan chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ tối đa cho SPMB các thủ tục cần thiết.

Cùng với đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hồi, bàn giao mặt bằng thi công sớm, cũng như hỗ trợ trong quá trình thi công để đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.