Sputnik: Vì sao các tập đoàn công nghệ quốc tế ưu ái Việt Nam?

Miền Bắc Việt Nam là nơi thu hút được nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn đặc biệt là ngành điện tử, dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối được thiết lập bài bản.
Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên - Khu công nghiêp Yên Bình, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Hãng Sputnik cho hay trong bối cảnh chuyển dịch dây chuyền sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “cánh tay đắc lực” của công xưởng thế giới và trung tâm sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu.

Vì sao các "ông trùm" sản xuất công nghệ điện tử hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel, LG… muốn đổ bộ vào Việt Nam và dành nhiều ưu ái cho quốc gia này?

Hãng Sputnik dẫn nguồn Cushman & Wakefield, một trong những công ty bất động sản lớn nhất thế giới, đã thử lý giải lý do Việt Nam "được ưu ái" và đang nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo mới.

Theo Cushman & Wakefield, nằm gần các nền kinh tế lớn của thế giới, cộng hưởng với cơ sở hạ tầng kết nối tốt, Việt Nam đang là điểm đến ưu tiên của các hãng công nghệ thế giới. Miền Bắc Việt Nam là nơi thu hút được nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn đặc biệt là ngành điện tử, dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối được thiết lập bài bản.

Yếu tố đầu tiên là hệ thống đường cao tốc. Theo thống kê của Cushman & Wakefield, nhận được sự ưu tiên phát triển về cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, miền Bắc đang có 13 tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 895,8km.

“Mạng lưới đường bộ bao phủ khắp lãnh thổ đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới giao thông vận tải giữa các vùng công nghiệp, các cảng hàng không, các biển, cửa khẩu và đầu mối giao thông quan trọng," Cushman & Wakefield đánh giá lợi thế về cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam.

Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, dự kiến miền Bắc sẽ có 14 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.300km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Về hệ thống đường sắt của Việt Nam, miền Bắc có 6 tuyến đường sắt chính.

Về hệ thống đường hàng không, ở khu vực miền Bắc của Việt Nam có 7 cảng hàng không chở khách bao gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên và Đồng Hới. Trong đó Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là nơi có nhà ga hàng hóa chuyên biệt với công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm, theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tải.

Liên quan đến hệ thống cảng biển, Cushman & Wakefield cho hay miền Bắc là khu vực có mức tăng mạnh nhất đạt 154% từ năm 2017 đến năm 2021 về mặt xuất khẩu vận tải so với các vùng còn lại.

[Việt Nam - điểm đến lý tưởng cho nhiều hãng điện tử quốc tế]

Một ưu thế nổi bật khác, theo Sputnik, là miền Bắc Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi. Việc nằm gần Trung Quốc, giáp ranh với công xưởng số 1 của thế giới, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các “ông trùm” sản xuất điện tử hàng đầu hành tinh cũng như giới đầu tư nước ngoài khi cân nhắc chuyển dịch sản xuất.

Cùng với đó, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, đường thủy và sắt nối thẳng đến Thẩm Quyến, được mệnh danh Thung lũng Silicon Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực.

“Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, có thể nói miền Bắc Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt ‘ong chúa’ đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam,” Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.

Dây chuyền sản xuất của một nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng năm 2022 có tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt gần 18,8 tỷ USD, trong đó riêng Bắc Ninh là tỉnh xếp thứ 3 cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,78 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn. Tiếp đó là Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Giang là các tỉnh thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong thời gian qua.

Các khu công nghiệp ở miền Bắc đã đón nhận làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu từ sớm như Panasonic (1971), LG Display (1995), Canon (2001), Foxconn (2007), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013) và gần đây là các tập đoàn như Pegatron, Goertek, Jinko Solar.

“Việc các nhà sản xuất công nghệ điện tử đồng loạt đổ bộ vào khu vực đã tạo nên một làn sóng thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho các ‘ông trùm’ này,” Cushman & Wakefield nhận xét. “Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục