Standard & Poor's hạ triển vọng kinh tế Anh xuống "tiêu cực"

S&P hạ triển vọng kinh tế Anh từ "ổn định" xuống "tiêu cực" liên quan đến kế hoạch của Thủ tướng Cameron tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của nước này trước cuối năm 2017.
Standard & Poor's hạ triển vọng kinh tế Anh xuống "tiêu cực" ảnh 1Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) đã hạ triển vọng kinh tế Anh liên quan đến kế hoạch của Thủ tướng Anh David Cameron tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh trước cuối năm 2017 tới.

Trong một thông báo ngày 12/6, S&P nói rằng cuộc trưng cầu ý dân này "gây rủi ro tới các triển vọng tăng trưởng" cho nền kinh tế Anh.

S&P đã hạ triển vọng kinh tế Anh từ "ổn định" xuống "tiêu cực" nhưng vẫn giữ nguyên mức xếp hạng hiện nay đối với Xứ sở Sương mù. Một quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm thấp hơn sẽ phải vay mượn với chi phí cao hơn.

Bên cạnh đó, S&P lưu ý rằng cuộc trưng cầu ý dân không phải là nguồn cơn gây lo ngại duy nhất.

Thông báo của S&P viết: "Chúng tôi tin rằng khả năng Anh rời khỏi EU cũng sẽ làm dấy lên những nghi ngờ về năng lực của nước này trong việc xử lý thâm hụt và nợ nước ngoài ngắn hạn."

S&P cũng cảnh báo rằng sự thiếu đồng thuận chính trị có thể ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của Anh trong tương lai.

Phản ứng về động thái của S&P, Bộ Tài chính Anh cho biết: "Chúng tôi là nước đầu tiên nói rằng đây là thời điểm rủi ro cao đe dọa sự phục hồi, và đó là lý do vì sao chúng tôi cần tiếp tục thực hiện kế hoạch nhằm đảm bảo mang lại an ninh kinh tế. Trọng tâm của kế hoạch đó là trao cho người dân Anh tiếng nói quyết định lần đầu tiên trong 40 năm qua về tư cách thành viên EU và giải quyết sự bất ổn xung quanh mối quan hệ của Anh với EU."

Trước đó, Cơ quan Trách nhiệm Ngân sách (OBR) - một tổ chức giám sát độc lập - đã cảnh báo rằng Anh cần cắt giảm chi tiêu thêm vài năm nữa để đưa nợ công về mức có thể kiểm soát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.