Trong năm nay, khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới của Vương quốc Anh bắt đầu chuyến hải trình đầu tiên, máy bay của Lực lượng Không quân/Hải quân Hoàng gia Anh sẽ đậu trên boong tàu này cùng với một phi đội máy bay phản lực của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Ngoài ra, tàu khu trục USS The Sullivans của Mỹ cũng sẽ tham gia hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Theo tờ Financial Times của Anh, với đội hình như vậy, nhóm tác chiến hải quân này thể hiện một phép ẩn dụ cho “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh: London vừa hợp tác vừa lệ thuộc vào Mỹ.
Phía Anh cho biết hoạt động này thể hiện một mức độ hợp tác quân sự chưa từng có giữa hai nước, và điều này là không thể phủ nhận.
Trong khi đó, các nhân vật cấp cao ở Washington khẳng định rằng mối quan hệ hợp tác đặc biệt này đã được thiết lập trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.
Tuy nhiên, chính đội hình của nhóm tàu sân bay đã nói lên sự bất bình thường của mối quan hệ này.
Có những lý do dẫn tới việc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia hoạt động này.
Tình trạng thiếu kinh phí đã buộc Anh phải cắt giảm đơn hàng mua máy bay phản lực F-35 từ Mỹ và phải huy động các máy bay của Thủy quân lục chiến để thay thế.
Tương tự, sự góp mặt của tàu khu trục USS The Sullivans là do Hải quân Hoàng gia Anh thiếu tàu chiến để bảo vệ tàu sân bay và cũng để đáp ứng các cam kết khác giữa hai nước.
Thủ tướng Boris Johnson có nhiều điều cần lo lắng hơn sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Johnson, người nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump, lo sợ bị ông Biden xa lánh và có lẽ đã cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn khi nhận được cuộc điện đàm từ tân tổng thống Mỹ.
Điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng chính Johnson là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên nhận được liên hệ từ tân tổng thống Mỹ.
Quyết định “gạt bỏ” quá khứ phần nào phản ánh “sự rộng lượng” của ông Biden. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy Washington không dễ bị “cảm tính chi phối.”
Từ thời Winston Churchill trở đi, người Anh đã dành gần như toàn bộ sự đầu tư vào mối quan hệ này. Nhưng đối với người Mỹ, điều này hoàn toàn xuất phát từ công việc.
[Thủ tướng Anh kỳ vọng về sự hợp tác với tân Tổng thống Mỹ]
Điều ấn tượng chính là sự nhất quán của các đời tổng thống Mỹ khi luôn coi trọng liên minh với Vương quốc Anh, kể cả khi mối quan hệ này tốt đẹp hay bị gián đoạn.
Chính quyền Tổng thống Dwight Eisenhower cùng Liên Xô từng bỏ phiếu lên án Vương quốc Anh tại Liên hợp quốc do liên quan đến cuộc tấn công kênh đào Suez năm 1956 của Thủ tướng Anthony Eden.
Tổng thống Richard Nixon đã chấm dứt hợp tác về tình báo và hạt nhân khi Thủ tướng Edward Heath bị đánh giá là “kết bè cánh” với châu Âu.
Tổng thống Ronald Reagan do dự trước khi ủng hộ cuộc chiến của Thủ tướng Margaret Thatcher nhằm chiếm lại quần đảo Falklands.
Trong những diễn biến này, hành động của Mỹ chỉ đơn thuần là để phục vụ các lợi ích quốc gia.
Sự bất cân xứng cũng thể hiện rõ ràng trong các điều khoản cho phép Mỹ cung cấp năng lực răn đe hạt nhân cho Anh. Người Anh khẳng định hệ thống tên lửa Trident của họ là hoàn toàn "độc lập," nhưng Washington lại yêu cầu hệ thống này hoạt động dưới sự chỉ huy của NATO, trừ khi “các lợi ích quốc gia tối cao bị đe dọa.”
Nội các của Thủ tướng Harold Macmillan lo lắng về điều này khi thỏa thuận lần đầu tiên được ký kết vào năm 1962.
Và nhiều thập kỷ trôi qua, Mỹ đã nắm quyền kiểm soát việc bảo trì và bảo dưỡng hệ thống tên lửa của Anh.
Như một cựu đại sứ của Anh tại Washington đã nói tằng Anh phụ thuộc vào Mỹ để duy trì năng lực răn đe “độc lập” của mình.
Những điều này chứng tỏ rằng sau khi từ bỏ trụ cột EU trong chính sách đối ngoại mình, Vương quốc Anh không nên đoạn tuyệt quan hệ với Mỹ.
Mặc dù vậy, sự phụ thuộc vào Mỹ ngày càng sâu hơn cũng là điều rất nguy hiểm bởi trong kỷ nguyên hậu Brexit, mối quan hệ này không còn giống quan hệ đối tác mà đúng hơn là “quan hệ bó buộc.”
Các lực lượng vũ trang của Anh giống như “cánh tay nối dài” của quân đội Mỹ.
Đức và ở mức độ nào đó là Pháp, vẫn được coi là những đồng minh mạnh mẽ của Mỹ, trong khi vẫn có sức ảnh hưởng tới những gì mà những người ủng hộ Brexit gọi là “độc lập chủ quyền.”
Mối quan hệ của những nước này với Washington lành mạnh hơn do họ không có sự “túng thiếu” rõ ràng như London. Tổng thống Biden đã bất ngờ gọi Pháp là “đồng minh lâu đời nhất” của Mỹ.
Brexit đòi hỏi phải đánh giá lại một cách cơ bản các lợi ích an ninh và quốc phòng của Vương quốc Anh, cũng như các liên minh và năng lực cần thiết để bảo vệ các lợi ích này.
Sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh châu Âu mà không phải là EU chắc chắn sẽ là một phần của điều này, cũng như của mối quan hệ với Washington.
Tuy nhiên, một đánh giá có tầm nhìn rõ ràng cũng sẽ đặt ra nghi vấn về khả năng Vương quốc Anh sẽ không triển khai sức mạnh ngoại giao, tình báo và quân sự của mình để đóng góp nhiều hơn cho an ninh toàn cầu hay không.
Một ngày nào đó, khi mà an ninh quốc gia sẽ được quyết định bởi ưu thế về công nghệ truyền thông kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, thì thật khó để các hệ thống tên lửa hạt nhân cực kỳ đắt tiền cũng như các tàu sân bay lớn, dễ bị tổn thương, vốn được coi là biểu tượng quốc gia, có thể giải quyết mối đe dọa đó./.