Tại phiên thảo luận ngày 5/11, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung đã đề cập đến 3 khía cạnh vi phạm pháp luật, sự vô cảm và lời xin lỗi khi nhắc đến vụ cháy Rạng Đông; sự cố nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội bị nhiễm dầu thải và vụ các cháu bé bị đuối nước liên quan đến công trình trái phép ở Bắc Giang.
Lời xin lỗi đơn thuần do chịu sức ép
Đề cập đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, bà Dung cho biết vụ hỏa hoạn này xảy ra vào ngày 28/8 nhưng 10 ngày sau, Rạng Đông mới gửi lời xin lỗi đến chính quyền các cấp, lực lượng phòng cháy, chữa cháy, người dân vì đã làm ô nhiễm môi trường.
Trong những ngày xảy ra sự cố, người dân lo ngại về khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau vụ cháy, lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã lên tiếng trấn án đã thay thế thủy ngân bằng vật liệu rất an toàn. Kể cả khi cháy cũng không ảnh hưởng đến con người.
“Nhưng đến khi cơ quan chức năng công bố kết quả quan trắc với số liệu cụ thể, rõ ràng, Rạng Đông mới thừa nhận sự cố cháy của nhà máy thực sự có ảnh hưởng đến môi trường,” bà Dung nói.
Vụ việc tiếp theo được bà Dung khẳng định nghiêm trọng, đó là vụ nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân Thủ đô bị nhiễm dầu thải. Sau hơn 2 tuần xảy ra sự cố, ngày 25/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà mới đưa ra lời xin lỗi mong được lượng thứ.
Vụ việc đã được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. “Các chuyên gia nhận định, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà xin lỗi người dân đơn thuần do chịu sức ép và để xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm và không có ý nghĩa về mặt pháp lý,” bà Dung thẳng thắn.
[Cận cảnh bùn thải nghi nhiễm dầu tại cửa súc xả bể chứa sông Đà]
Theo bà Dung, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà với tất cả thiệt hại mà người dân đã phải gánh chịu trong suốt 2 tuần.
Trước đó, trong cuộc họp báo do Hà Nội và Hòa Bình tổ chức, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà cũng không thừa nhận trách nhiệm và cho rằng công ty mới là nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất.
“Họ không đưa ra lời xin lỗi với người dân, mà hôm qua (4/11), theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thì phía nhà máy nước Sông Đà còn xả khoảng 2.500-3.000m3 nước sục rửa bể chứa nước trung gian ra môi trường, không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương. Việc xả thải này được tiến hành vào ngày 18/10, sau khi có kết quả quan trắc,” bà Dung cho biết.
Cũng trong ngày 4/11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức một phiên giải trình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã khẳng định rằng: “Việc Công ty Nước sạch sông Đà che giấu sự thật và họ biết được ngay từ đầu, chỉ đến khi đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố gọi điện cho Giám đốc, họ mới thừa nhận rằng nước sạch có nhiễm dầu.”
Tại sao câu xin lỗi lại khó khăn đến thế?
Một vụ việc khác khiến vị đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phải nghẹn ngào gửi lời xin lỗi trước khi đề cập trong nghị trường Quốc hội là ba cháu nhỏ bị đuối nước thương tâm dưới mương nước đào trái phép của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang.
Bà Dung thông tin, ngày 24/5/2019, hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy đã đến gia đình của một trong ba cháu là học sinh lớp 4 trường Trung học cơ sở Tân Dĩnh tử vong dưới công trình sai phạm của trường này.
Sau hơn 5 tháng xảy ra vụ việc đáng tiếc trên, gia đình của nạn nhân bày tỏ quan điểm chỉ cần được nghe một lời xin lỗi chân thành từ phía nhà trường để vong linh cháu bé được siêu thoát, người còn sống được an lòng và khép lại sự việc.
Thế nhưng, người đứng đầu Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang cho biết ông cùng lãnh đạo Đảng ủy nhà trường không phải đến gia đình để xin lỗi mà chỉ đến để chia sẻ, động viên, lắng nghe nguyện vọng.
“Quan điểm này được ông hiệu trưởng khẳng định trong suốt buổi làm việc và không có lời xin lỗi nào của nhà trường với gia đình nạn nhân, khiến mẹ của cháu bé phải nghẹn ngào,” bà Dung chia sẻ.
[Quản lý môi trường Hà Nội trước thách thức lớn từ hàng loạt sự cố]
Bày tỏ sự bức xúc trước động thái trên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi: Tại sao một câu xin lỗi của người đứng đầu nhà trường lại khó khăn đến thế?
Theo bà Dung, ba vụ việc trên để lại hệ lụy rất lớn đối với người dân, nhưng cả ba vụ việc “còn bỏ ngỏ.” Người dân rất cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền để mọi việc được xử lý công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm. Đó là quyền của công dân được hiến định trong Hiến pháp năm 2013.
Đề nghị làm rõ vụ “bắt cóc con tin giả”
Một vụ việc khác cũng được vị đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên “xin” đề cập trong nghị trường Quốc hội là đơn tố cáo của công dân ở quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội liên quan đến việc “bắt cóc con tin giả.”
Theo bà Dung, từ tháng 8/2019 đến nay, bà đã nhận được nhiều đơn của bà Trần Kim Phương có địa chỉ tại 287 Khâm Thiên, tố cáo Công an quận Bắc Từ Liêm tạo hiện trường bắt cóc con tin giả, bắt người trái pháp luật vào ngày 2/8 tại lô TH1 khu đô thị mới Cổ Nhuế, đã hình sự hóa một vụ tranh chấp dân sự đang được Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm thụ lý.
Liên quan đến vụ việc này đã có rất nhiều bài báo phản ánh có nhiều sai phạm trong trình tự thủ tục cũng như áp dụng pháp luật.
“Đến ngày 29/10/2019, Công an quận Bắc Từ Liêm đã có kết luận điều tra 228 nêu rõ: ‘Do chưa đủ căn cứ xác định bảo vệ của bà Phương,’ tức là bà có đơn ‘có hành vi giữ người trái pháp luật,” bà Phương chia sẻ.
Trước vụ việc nêu trên, tại nghị trường Quốc hội, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội, cần làm rõ có hay không vụ giải cứu con tin đã được dàn dựng từ trước của Công an quận Bắc Từ Liêm theo đơn tố cáo của bà Trần Kim Phương./.