Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội họp tổ, thảo luận về về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai
Thảo luận về vấn đề quy hoạch đất đai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu.
“Nước ta 'tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền'. Diện tích chỉ hơn 300.000km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ tương lai,” Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đất không sinh ra nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Theo đó, chủ trương xã hội hóa, tư nhân hóa nhưng cái gì nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi những đời sau thì phải quản lý. Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai.
Theo Chủ tịch nước, vừa qua có chuyện giàu lên vì đất rất nhiều nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp các ngành.
Nhấn mạnh việc dành đất cho kinh tế là quan trọng, Chủ tịch nước cũng lưu ý việc dành đất cho văn hóa và môi trường sống của người dân cũng rất cần thiết, cần phải có một quy hoạch đồng bộ. Chủ tịch nước tán thành việc giữ lại 3,5 triệu hecta quy hoạch cho đất lúa. Cần tạo ra không gian, chính sách để sử dụng linh hoạt, chặt chẽ.
[Chính phủ trình Quốc hội xem xét kế hoạch sử dụng đất quốc gia]
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhắc đến việc cần thiết phải có 15 triệu hecta trồng rừng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đạt độ bao phủ rừng 42-43%. Ông đề nghị tiếp tục phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương với 6 triệu hecta rừng để tạo ra môi trường sống hài hòa.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao hướng dành đất cho phát triển công nghiệp. Những vùng sử dụng đất kém hiệu quả, vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên được nên quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ.
Về một số biện pháp cần thực hiện, Chủ tịch nước cho rằng ngoài chống tiêu cực, tham nhũng trong quy hoạch đất đai thì vấn đề cải cách hành chính cũng rất quan trọng khi thủ tục đất đai còn rất phiền hà. Ngoài ra, phải ứng dụng công nghệ, có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai rõ hơn, giống như cơ sở dữ liệu dân cư. "Những ứng dụng công nghệ phải được đặt ra mạnh mẽ hơn cho quá trình quản lý đất đai ở Việt Nam," Chủ tịch nước nói.
Bản quy hoạch cho thế hệ tương lai
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành về quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho 10 năm tới và tầm nhìn đến tận 2050. Đây là việc thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, đồng thời có kế hoạch sử dụng đất 5 năm quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia lần này là một đề án rất lớn, rất hệ trọng vì là quy hoạch có tầm nhìn đến tận giữa thế kỷ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có kết luận sơ bộ về việc này để Chính phủ và các Ủy ban hoàn thiện. Quá trình làm quy hoạch cơ quan thẩm tra và Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ, cơ quan phản biện thẩm tra đã làm việc với rất nhiều các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đất đai. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường các thời kỳ đánh giá đây là quy hoạch có chất lượng rất tốt.
Đặc biệt quy hoạch lần này làm trên cơ sở phương pháp hiện đại, tiếp cận những phương pháp mới như phương pháp điều tra, phương pháp định mức, phương pháp tiếp cận hệ thống, dự báo.., có sử dụng cả một số kỹ thuật hiện đại; đồng thời cũng có tiếp cận theo hướng quy hoạch vừa tĩnh, vừa động; trên cơ sở xác định những cái nguyên tắc như tờ trình có nêu là "ba ranh giới và 4 khu vực."
Trong đó, ranh giới nghiêm ngặt, bảo vệ, bảo tồn là đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ ao, di tích lịch sử; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước rồi đập ngập nước; và ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế xã hội và huy động nguồn lực theo cơ chế thị trường.
Bốn khu vực là khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng có điều kiện và có kiểm soát; khu vực thứ tư là được phép chuyển đổi sử dụng đất.
Lần quy hoạch sử dụng đất đai này cũng được tính toán trên cơ sở xác thực hơn về cập nhật tác động của biến đổi khí hậu và có cả đánh giá tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ đồng ý với ý kiến một số đại biểu, đó là Chính phủ cần phải có báo cáo thêm những nội dung mà Ủy ban Kinh tế đã nêu như việc chậm trễ trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất hiện hành. Cho đến năm 2019, vẫn còn 5 tỉnh chưa lập được quy hoạch đất đai, trong khi quy hoạch đất đai là quy hoạch đi trước.
“Đất đai là tài nguyên đặc biệt, cho nên quy hoạch đất đai là quy hoạch rất đặc biệt, không chỉ cho hiện tại mà cho con cháu tương lai và phải đi trước một bước để làm cơ sở cho quy hoạch khác như phát triển đô thị, văn hóa, giao thông...,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một nội dung mà Chủ tịch Quốc hội đề cập là vấn đề dữ liệu đất đai. Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ sở dữ liệu về đất đai vừa là cái tồn tại hiện nay, nhưng cũng vừa là giải pháp tổ chức quy hoạch, kế hoạch 5 năm tới đây. “Làm sao chúng ta phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai như bây giờ chúng ta đang làm đối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư?,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.
Lấy dẫn chứng nhiều nước áp dụng công nghệ thu thập dữ liệu đất đai, sử dụng viễn thám cho từng mảnh đất, Chủ tịch Quốc hội nêu ra thực tế ở nước ta là số liệu trong quy hoạch với số liệu trên thực tế chưa chắc đã thống nhất nhau.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là ứng dụng công nghệ. Hai là vấn đề điều tra đất đai, lập các hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Hai yếu tố này đòi hỏi phải có nguồn lực, có nguồn tài chính, nhất là những địa phương không tự túc được ngân sách.
Bên cạnh những nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và cơ quan chủ trì lập quy hoạch quan tâm rà soát, làm rõ căn cứ tăng quy hoạch đất trồng lúa, đất cho công nghiệp trong khi quy hoạch hiện hành chưa đạt được chỉ tiêu trên thực tế.
Cuối phần phát biểu thảo luận về quy hoạch sử dụng đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vì đây là một bản quy hoạch mà đến tận năm 2050, cho nên Chính phủ cần định kỳ có rà soát lại số liệu, quy hoạch và nếu thấy cần thiết phải trình Quốc hội để điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở để yêu cầu mới phát sinh nhiều yêu cầu mới, tư duy mới.
Bảo vệ quỹ đất dành cho trồng lúa và phát triển ngành Nông nghiệp
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với đất dành cho trồng lúa, phát triển ngành Nông nghiệp phải được bảo vệ. Quy hoạch về đất trồng lúa cần được đề cập rõ ràng hơn trong Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất quốc gia của Chính phủ.
Bên cạnh việc việc bảo vệ quỹ đất dành cho trồng lúa và phát triển ngành Nông nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng trong dự kiến kế hoạch sử dụng đất cũng cần chú ý đến quỹ đất dành cho phát triển các khu kinh tế. Trong đó, đất dành cho phát triển các khu công nghiệp tăng là cần thiết. Riêng khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu phải được chú trọng. Vì việc dành quỹ đất cho những nơi này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh nền kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cần xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị.
Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều quỹ đất dành cho phát triển đô thị lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Việc tăng quỹ đất đô thị cần được cân nhắc, tính toán xem có phù hợp với từng địa phương hay không? Điều này cũng là nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất cũng cần được đặt trong tổng thể quy hoạch từng vùng với những nhu cầu thực tiễn ở nơi đó.
Tạo vốn cho phát triển nền kinh tế xanh
Nhấn mạnh trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có đề cập đến kinh tế xanh, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng quy hoạch sử dụng đất còn thiếu đề cập đến quỹ đất gia tăng hay không gia tăng cho các nền tảng của kinh tế xanh, đó là vốn thiên nhiên, bảo tồn, bảo tồn tự nhiên.
Cho nên, đại biểu đề nghị là để làm nền tảng kinh tế xanh thì cần tới vốn thiên nhiên, khu bảo tồn vì vậy phải ghi thêm trong quy hoạch là phải giữ được ít nhất tối thiểu diện tích hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên hiện có đã được phê duyệt.
Đại biểu cũng lưu ý, hiện có tâm lý là ngay cả trong những cơ quan làm về tài nguyên và môi trường, đôi khi nhiều cán bộ muốn chuyển diện tích, kể cả khu bảo tồn thiên nhiên để sang mục đích khác, nghĩa là không cần bảo tồn nữa. Như vậy, nói đến kinh tế xanh nhưng lại không có vốn làm kinh tế./.