Theo số liệu công bố mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sự giảm tốc của thương mại toàn cầu ảnh hưởng nặng nề nhất đến kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Những bất ổn định do việc Anh rời EU, sự trầm lắng của ngành công nghiệp Đức, cộng với những gián đoạn do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được cho là các nguyên nhân chính tác động xấu đến kinh tế EU.
OECD cho biết xuất khẩu của EU trong quý 3/2019 đã giảm 1,8% so với quý trước, nhập khẩu cũng giảm 0,4%. Các hoạt động xuất nhập khẩu trong quý 3/2019 tại các nền kinh tế lớn trong EU đều giảm sút.
Tại Pháp, xuất khẩu giảm 3,6%, còn nhập khẩu giảm 1,7%. Hoạt động xuất và nhập khẩu của Đức lần lượt giảm 0,4% và 1,8%.
Nhà kinh tế trưởng của OECD, Laurence Boone, tuần trước cảnh báo rằng mức độ bất ổn cao trong chính sách thương mại và vấn đề địa chính trị đã khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ, kéo theo hoạt động kinh tế tại hầu hết các nền kinh tế lớn đều chậm lại.
[OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020]
Xuất khẩu giảm do tác động của giá dầu giảm và đồng tiền của nhiều nước bị mất giá so với đồng USD.
Một khảo sát của ngân hàng đầu tư châu Âu công bố tuần này cho thấy, hơn 70% số doanh nghiệp tại EU và Mỹ cho hay tình trạng bất ổn định khiến họ không đầu tư vào thời điểm này.
Hoạt động xuất khẩu của Anh tăng trưởng âm là do tình trạng bất ổn của vấn đề Brexit và sự xuống giá của đồng bảng Anh so với đồng USD.
Các nhà phân tích cho biết trước tình trạng chững lại trong hoạt động thương mại, một số ngân hàng trung ương của các nước lớn gần đây đã nới lỏng chính sách tiền tệ, song động thái này vẫn chưa có tác dụng rõ ràng.
Nhà kinh tế trưởng Adam Slater của Oxford Economics cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ tại Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung Euro chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng thương mại.
Theo chuyên gia này, bất kỳ sự cải thiện nào trong bức tranh thương mại có được vẫn rất hạn chế./.