Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN

Thủ tướng chỉ đạo không cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp và "Kong: Skull Island" trở thành phim ăn khách nhất tại Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo không cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp và "Kong: Skull Island" trở thành phim ăn khách nhất tại Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Hơn 2.100 người chết vì tai nạn giao thông trong ba tháng đầu năm 2017
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong ba tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/3/2017), toàn quốc xảy ra 4.812 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.114 người, bị thương 3.835 người.

“So với ba tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, giảm 175 vụ (giảm 3,5%), số người chết giảm 80 người (giảm 3,6%), số người bị thương giảm 687 người (giảm 15,1%),” ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 986.714 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phạt tiền 593,6 tỷ đồng; tạm giữ 8.695 xe ôtô và 141.095 môtô; tước 88.143 giấy phép lái xe.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Xem thêm: Hơn 2.100 người chết vì tai nạn giao thông trong ba tháng đầu năm 2017

Việt Nam chính thức tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil
Chiều 23/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Brazil.

Theo Quyết định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông báo tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23/3.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng yêu cầu Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23/3.

"Nếu phát hiện thịt và sản phẩm thịt của 21 nhà máy này thì tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xem xét, xử lý theo quy định," Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 17/3, Cảnh sát liên bang Brazil đã ra thông báo mở cuộc điều tra vụ bê bối lớn trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.

Các chứng cứ đã cáo buộc nhiều công ty trong đó có cả công ty JBS và BRF, là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 2Ảnh minh họa. Nhiều nguy cơ đến từ việc nhập khẩu thịt bò nước ngoài. (Nguồn TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam chính thức tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam
Từ ngày 21-24/3, Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Hiển Long đã dự lễ đón, hội đàm và chiêu đãi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại buổi hội đàm, Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước theo hướng ngày càng thực chất hơn, vì lợi ích nhân dân hai nước, hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác Trao thư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Ngân hàng UOB của Singapore về việc Ngân hàng UOB lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Sembcorp về phát triển Dự án BOT tuốc bin khí hỗn hợp Dung Quất 2; Bản ghi nhớ về việc phát triển Khu công viên phần mềm Đà Nẵng giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng và Liên doanh Tập đoàn Sembcorp; Bản ghi nhớ giữa Hội Hữu nghị Việt Nam- Singapore và Quỹ quốc tế Singapore; Bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn Keppel Land Việt Nam; Bản ghi nhớ về việc xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore tại tỉnh Quảng Trị giữa tỉnh Quảng Trị và Liên doanh Tập đoàn Sembcorp và Becamex.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Lý Hiển Long và Phu nhân đã làm việc với Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, gặp Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Singapore.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam

Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý 1
Trong quý 1, Hàn Quốc đã dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đạt 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư. Kế đến là Singapore  với  910,8 triệu USD, chiếm 11,81% và Trung Quốc đứng thứ 3,  tổng vốn đăng ký 823,6 triệu USD, chiếm 10,68%.

Thông tin trên được công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể trong quý 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trên cả nước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy lũy kế đến ngày 20/3, cả nước có 23.071 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD, trong đó vốn hực hiện lũy kế ước đạt 158,45 tỷ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Về lĩnh vực, nhà đầu tư nước nước vẫn hướng trọng tâm vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng cao nhất, đạt 175,57 tỷ USD (chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư).

Với sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản, khối ngoại tiếp tục đổ vốn vào khu vực này, đạt 52,58 tỷ USD (chiếm 17,48% tổng vốn) và sau đó là sản xuất, phân phối điện, khí nước với 12,9 tỷ USD (chiếm 4,29% tổng vốn).

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý 1

Thu hơn 6.510 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng đến hết năm 2016
Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững,” ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết tính đến hết năm 2016, tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng là trên 6.510 tỷ đồng, bình quân đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Hội nghị do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 24/3.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, số tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời hỗ trợ các công ty lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và người dân miền núi bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006-2010.

Hiện tại đã có hơn 500.000 hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 5Tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng thôn bản chủ động kiểm soát và bảo vệ rừng. (Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN)

Xem thêm: Thu hơn 6.510 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng đến hết năm 2016

Thủ tướng: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký, cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiêm túc thực hiện việc cấp biển số ôtô ký hiệu 80, theo nguyên tắc chỉ cấp cho các cơ quan Trung ương, một số ban, bộ, ngành...; đồng thời, xe phải mua sắm có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không cấp biển số ôtô ký hiệu 80 cho doanh nghiệp, bất kể loại hình nào.

Theo tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa đổi Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy định về đăng ký xe.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an kiên quyết thu hồi biển số 80A, 80B của 516 xe đã cấp cho các doanh nghiệp như đã xác định, hoàn thành trước ngày 30 /6/2017, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ./.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Xem thêm: Thủ tướng: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp

"Kong: Skull Island" trở thành phim ăn khách nhất tại Việt Nam
Không nằm ngoài dự đoán, bom tấn "Kong: Skull Island" tựa Việt là "Kong: Đảo Đầu lâu" đã trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất nhất mọi thời đại tại Việt Nam.

Theo công bố của đơn vị phát hành, chỉ sau 2 tuần ra rạp, bộ phim đã thu về xấp xỉ 150 tỷ đồng (hơn 7 triệu USD), với gần 1,8 triệu lượt khán giả.

Như vậy, “Kong: Đảo Đầu lâu” đã vượt qua kỷ lục cũ thuộc về bộ phim “Em là bà nội của anh” đồng thời đánh mốc son mới trong lịch sử chiếu bóng Việt Nam như phim có doanh thu phòng vé cao nhất, phim có lượng khán giả ra rạp cao nhất, bứt phá mọi kỷ lục phòng vé nhanh nhất, có doanh thu ngày đầu công chiếu cao nhất...

Thật ra, đây không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi “Kong: Skull Island” đã gây sốt khi thực hiện hầu hết các cảnh quay ấn tượng tại Việt Nam. Nhiều người hiếm khi đi xem phim ngoài rạp cũng tò mò muốn biết thắng cảnh ở Quảng Bình, Hạ Long, Ninh Bình sẽ ra sao khi được các nhà làm phim Hollywood đưa lên màn ảnh rộng.

Hiệu ứng đó cộng với việc đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được bổ nhiệm làm Đại sứ du lịch Việt Nam càng khiến "Kong: Skull Island" trở nên ăn khách hơn.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 7(Nguồn: Empire)

Xem thêm: "Kong: Skull Island" trở thành phim ăn khách nhất tại Việt Nam

Tiền Giang thu hồi khẩn 2 công văn về cấm hát bài “Màu hoa đỏ”
Liên quan đến việc cấm bài hát “Màu hoa đỏ” gây bức xúc dư luận, chiều 26/3, ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã ký ban hành công văn thu hồi khẩn cấp 2 công văn về cấm hát bài “Màu hoa đỏ.”

Hai công văn trên gồm Công văn số 120/SVHTTDL-TTr ngày 7/2/2017 về việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phê duyệt nội dung tại các cơ sở kinh doanh karaoke và Công văn số 288/SVHTTDL-TTr ngày 16/3/2017 về việc nói rõ thêm nội dung Công văn số 120/SVHTTDL-TTr ngày 7/2/2017.

Trong Công văn số 338/SVHTTDL-TTr, ông Nguyễn Đức Đảm nói rõ thực hiện chỉ đạo của Cục Biểu diễn nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, vào ngày 24/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã có báo cáo giải trình về việc một số cơ quan báo chí phản ánh về bài hát "Màu hoa đỏ” bị cấm hát ở Tiền Giang.

Qua nghiên cứu nội dung báo cáo giải trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, ngày 25/3, Cục Nghệ thuật biểu diễn-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang thu hồi Công văn số 120/SVHTTDL-TTr ngày 7/2/2017 do trong văn bản này có một số sai sót, đặc biệt là trong danh mục 354 bài hát Sở yêu cầu gỡ bỏ trong đó có bài hát "Màu hoa đỏ" của nhạc sỹ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu và một số bài hát khác được cho phép phổ biến.

Thời gian triển khai thu hồi ngay trong ngày thứ Hai 27/3.

Trước đó, chiều 24/3, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã nhận trách nhiệm về sai sót trong hai Công văn trên và gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình nhạc sỹ Thuận Yến./.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 8

Xem thêm: Tiền Giang giải trình về lệnh cấm hát bài hát “Màu hoa đỏ”

Việt Nam sẽ sở hữu một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại
Việt Nam sẽ có một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại, từng bước làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Thông tin trên được giáo sư, viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị sơ kết và triển khai kế hoạch 2017-2022 Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thực hiện.

Được khởi động từ năm 2012 với nguồn vốn hơn 600 triệu USD, theo giáo sư Châu Văn Minh, đây là dự án lớn nhất trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ của Việt Nam từ trước đến nay.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC thì cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị này đã hoàn thành nhiều hạng mục, mục tiêu như đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng…

Về chế tạo và ứng dụng công nghệ vệ tinh, tới nay, VNSC đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon(1kg); đang và sẽ triển khai các dự án vệ tinh NanoDragon (4-6 kg), MicroDragon (50 kg), LOTUSat (600 kg).

Theo kế hoạch, năm 2019 vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh cũng sẽ sẵn sàng hoạt động để tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 “Made in Vietnam.”

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 9Lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Vietnam.” (Nguồn: VNSC)

Xem thêm: Việt Nam sẽ sở hữu một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại

Cần Thơ: Cháy lớn tại Công ty Kwong Lung-Meko
Khoảng 9 giờ ngày 23/3, đám cháy xuất phát từ tầng 5 kho chứa nguyên liệu của Công ty Kwong Lung-Meko (chuyên về may mặc) tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường chỉ huy các lực lượng tham gia chữa cháy. Đến 17 giờ cùng ngày, đám cháy đã được hạn chế.

Tuy nhiên đến 21 giờ cùng ngày, ngọn lửa bất ngờ bốc cháy dữ dội trở lại, bao trùm lên toàn bộ tầng 5 công ty, uy hiếp khu dân cư sát bên Công ty Kwong Lung-Meko.

Trước hỏa hoạn bất ngờ bùng phát trở lại, ngay trong đêm, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy phải tiến hành sơ tán hơn 200 hộ dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống và Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ Đại tá Trần Ngọc Hạnh đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng cứu hỏa.

Sau gần 30 giờ nỗ lực cùng với sự hỗ trợ kịp thời của lượng chữa cháy đến từ 7 tỉnh, thành phố, đến 15 giờ ngày 24/3, vụ cháy lớn tại Công ty Kwong Lung - Meko đã được khống chế hoàn toàn.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy Cần Thơ túc trực 24/24 giờ tại Công ty Meko đến hết ngày 25/3 do đám cháy có thể diễn biến khó lường. Tuy nhiên, khoảng hơn 19 giờ ngày 26/3, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy trở lại tại Công ty Kwong Lung Meko Cần Thơ (chuyên về may mặc, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), sau hơn 2 ngày vụ hỏa hoạn đã được khống chế.

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, đám cháy bất ngờ bùng phát trở lại vào tối 26/3 là do khu vực kho 2, tầng 5 vẫn còn đang cháy âm ỉ trong 2 ngày nay và khu vực này chứa khá nhiều vật liệu dễ cháy như vải, long vũ... khiến đám cháy bất ngờ bùng phát trở lại.

Sự kiện trong nước 20-26/3: Không cấp biển số 80A, 80B cho xe DN ảnh 10Lực lượng cứu hỏa phun nước dập tắt đám cháy trong nhà xưởng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Xem thêm: Đám cháy tại Cần Thơ đã được khống chế hoàn toàn sau 30 tiếng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục