Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” bầu chọn vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu năm 2017, súng thần công cổ 200 năm là những sự kiện nổi bật tuần qua.
Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Sáng 26​/12/2017, tại khu vực Đài tưởng niệm Khâm Thiên, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ đồng bào Thủ đô bị bom Mỹ sát hại tháng 12/1972.

Cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12/1972 của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt.

Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã 663 lần sử dụng máy bay B52 và 3.920 lần sử dụng máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta.

Phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội đã bị bom B52 tàn phá đêm 26​/12/1972 cả chiều dài trên 1 km, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương.

Cùng với phố Khâm Thiên, máy bay B52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, thị trấn Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm, xã Uy Nỗ, An Dương thuộc huyện Đông Anh… làm hơn 1.000 người chết và bị thương.

Trong 12 ngày đêm đầy đau thương đó, với tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, quân và dân Hà Nội đã cùng với quân và dân miền Bắc làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không,” đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân có quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ.

Đó là đỉnh cao về ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không ảnh 1Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh: TTXVN)
Lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương
Sáng 28​/12/2017, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế​-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đây là lần đầu tiên, cuộc họp Chính phủ được đón Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Cấp cao của Đảng, Nhà nước đến dự. Sự kiện này thể hiện tính thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ chung phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến hôm nay, kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được khá toàn diện, tất cả chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý là kết quả tăng trưởng trên trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm 7,1% và không dựa vào những công cụ kích cầu ngắn hạn mà tập trung nỗ lực phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành và các địa phương.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 6 việc cần tập trung thực hiện trong năm 2018. Trước hết là phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.

Trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.

Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ và tính khả thi cao. Gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước - thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng…

Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Bầu chọn vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu năm 2017
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã xuất sắc vượt qua các đối thủ khác để dẫn đầu cuộc bầu chọn vận động viên tiêu biểu năm 2017.

Đây là thông tin được Ban tổ chức sự kiện bầu chọn vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu, vận động viên, huấn luyện viên người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2017 công bố vào tối 28​/12.

Theo đó, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vận động viên Bơi lội đang đầu quân cho đơn vị Quân đội đã xuất sắc giành vị trí số 1 trong cuộc bầu chọn với 1.560 điểm; lực sỹ cử tạ Thạch Kim Tuấn (TP Hồ Chí Minh) xếp thứ hai với 1.539 điểm, vị trí thứ ba thuộc về vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh (TP Hồ Chí Minh) được 1.274 điểm.

Huấn luyện viên Mai Ðức Chung (bóng đá) đứng đầu danh sách bình chọn Huân luyện viên tiêu biểu với thành tích dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đoạt Huy chương vàng SEA Games 29; tiếp theo là các Huấn luyện viên: Huỳnh Hữu Chí (cử tạ), Ðặng Anh Tuấn (bơi lội), Nguyễn Nam Hải (bóng bàn), Vũ Ngọc Lợi (điền kinh).

Ở nội dung bình chọn vận động viên người khuyết tật xuất sắc, đô cử Lê Văn Công đứng đầu với 880 điểm. Tiếp đến lần lượt là Võ Thanh Tùng (bơi lội), Nguyễn Bình An (cử tạ).

Huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc (cử tạ) được bình chọn danh hiệu huấn luyện viên người khuyết tật tiêu biểu nhất với 504 điểm, xếp sau là huấn luyện viên Ðổng Quốc Cường (bơi), Ðặng Văn Phúc (điền kinh).

Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không ảnh 3Ánh Viên tỏa sáng với 8 HCV tại SEA Games 29. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Ngày 8/1/2018, xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVC
Ngày 27/12/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong các ngày từ 8-21/1/2018.

Trong vụ án này, có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN); Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN); Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN); Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN); Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN); Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC); Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC); Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC); Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC).

Có 8 bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" gồm: Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC); Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC); Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng); Lê Thị Anh Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh, Hoa nguyên là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Hoa); Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC); Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng Kinh tế - kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC); Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC).

Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản.”

Trước đó, ngày 25​/12/2017, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) và 20 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Đến ngày 28/12/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không ảnh 4Ông Đinh La Thăng (Ảnh: TTXVN)
Thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I
Ngày 25​/12​/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 2088/QĐ-TTg công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm của tỉnh Bắc Ninh, có diện tích 83 km2, mật độ dân số trên 6.000 người/km2. Với vị trí địa lý thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội và sân bay Nội Bài 30 km, thành phố Bắc Ninh là đầu mối quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, trên hành lang kinh tế Việt Nam​-Trung Quốc, nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội​-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Những năm qua, thành phố Bắc Ninh có sự đóng góp quan trọng, mang vai trò đầu tầu, động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bắc Ninh. Thành phố được đánh giá là một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo, được quy hoạch khá đồng bộ, bài bản theo hướng hiện đại, bền vững và đô thị thông minh, giàu bản sắc văn hóa.

Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không ảnh 5Một góc thành phố Bắc Ninh. (Nguồn: bacninh.gov.vn)
Phát hiện súng thần công cổ trên 200 năm ở đảo Quan Lạn
Trong lúc thi công tuyến đường nước sinh hoạt, các công nhân đã đào thấy một khẩu súng thần công có niên đại cách đây khoảng hơn 200 năm ở thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Súng thần công cổ này được tìm thấy vào giữa tháng 12/2017, trong quá trình đội công nhân của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt hồ Lòng Dinh ở xã Quan Lạn.

Khẩu súng thần công cổ bước đầu xác định vào thời Nguyễn, có chiều dài khoảng 1,5m, đường kính hai đầu khoảng 0,2-0,3m. Trên thân súng có khắc chữ Hán, tạm dịch là "Minh Mạng 18."

Sự kiện trong nước 25-31/12: 45 năm Điện Biên Phủ trên không ảnh 6Súng thần công cổ vừa được phát hiện. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục