Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam

Robot đầu tiên được cấp quyền công dân tới Việt Nam, vụ trao nhầm con tại Ba Vì, Việt Nam tăng 2 bậc về đổi mới sáng tạo nằm trong số những sự kiện nổi bật của Việt Nam tuần qua.
Robot Sophia đến Việt Nam
Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới đã tới Việt Nam và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương chủ trì.

Sophia là một robot hình dạng giống người được phát triển bởi công ty Hanson Robotics ở Hong Kong và lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 2001, được thiết kế cử động giống con người và có trí tuệ thông minh nhân tạo.

Là Quán quân sáng tạo của Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân như con người.

Phát biểu tại sự kiện, sau khi giới thiệu về mình, Sophia cho hay: “Ngày hôm nay tôi đến đây muốn thế giới biết sự phát triển bền vững, nếu chúng ta hợp tác với nhau thì có thể đạt được mục tiêu này, nhất là với các robot như chúng tôi.”

Tiếp theo, robot này đã trả lời lưu loát ba câu hỏi mà các khán giả trong khán phòng đặt ra.

Diễn ra trong hai ngày 12 và 13/7, "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018" với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ” là sự kiện đầu tiên thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác của Ban cán sự đảng Chính phủ với Ban Kinh tế Trung ương.

Có gần 1.800 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đối tác phát triển tham gia sự kiện.

Bên cạnh Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, Industry 4.0 Summit 2018 là sự kiện quốc tế có quy mô lớn với 5 phiên hội thảo quốc tế theo chuyên đề và hoạt động triển lãm công nghệ 4.0.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc và tham gia phiên đối thoại đặc biệt với các diễn giả, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại sự kiện này.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia - người máy đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới tới tham gia tương tác tại Diễn đàn.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 1Sophia, robot đầu tiên trên thế giới có quyền công dân. (Nguồn: egypttoday.com)
Thi hành kỷ luật Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ngày 12/7, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 122-TTr/UBKTTW, ngày 6/7 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 và đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Chính trị đã quyết định:

- Thi hành kỷ luật đồng chí Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021. Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.

- Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son theo thẩm quyền.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 2Ông Trương Minh Tuấn. (Nguồn: Vietnam+)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo thăm chính thức Việt Nam
Trong hai ngày 8 và 9/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã thăm chính thức Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Michael Pompeo được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp.

Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Michael Pompeo bày tỏ vui mừng lần đầu được đến thăm Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam đã dành cho đoàn; khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Michael Pompeo bày tỏ hài lòng về các tiến triển tích cực, thực chất trong quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, vì lợi ích nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai bên hài lòng về việc triển khai thành công Dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ngoại trưởng Michael Pompeo nhất trí sẽ sớm triển khai Dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Biên Hòa và tăng trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 3Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đón và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Khởi tố, bắt tạm giam hai bị can trong vụ Mobifone mua cổ phần AVG
Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 2 bị can: Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 4
Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018
Ngày 10/7, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (gọi tắt là GII 2018).

Theo đó, Việt Nam đã tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng.

Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có thành tích nổi bật trong việc biến đầu tư cho đổi mới thành những kết quả cụ thể.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp với Viện INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) thực hiện.

GII 2018 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình trong cả 7 trụ cột.
Trong bảng xếp hạng GII 2018, Thụy Sỹ tiếp tục là quốc gia sáng tạo nhất thế giới, tiếp theo là Hà Lan, Thụy Điển, Singapore, Mỹ.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 5Các kỹ sư điều chỉnh hoạt động của robot tại phòng thực hành robot tự động hóa Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt-Nhật. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Sáu học sinh Việt Nam đều đoạt huy chương Olympic Toán quốc tế
Tối 12/7, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, cả 6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế lần thứ 59 tại Romania đều xuất sắc giành huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng, hai Huy chương bạc và ba Huy chương đồng.

Huy chương vàng thuộc về em Nguyễn Quang Bin, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên (Ðại học Quốc gia Hà Nội).

Như vậy, Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2018 đã tiếp tục giữ vững kết quả 100% thí sinh tham dự đoạt huy chương trong những năm gần đây.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 6
Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông toàn quốc năm 2018 đạt 97,57%
Ngày 12/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 toàn quốc đạt 97,57%; trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của hệ giáo dục Trung học phổ thông đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.

Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp cao trên 99% đều là những địa phương có truyền thống dạy tốt, học tốt, như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh. Các thành phố có số thí sinh dự thi cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cả nước có 879.705 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông; trong đó có 810.382 thí sinh Trung học phổ thông và 69.323 thí sinh giáo dục thường xuyên.

Đến ngày 11/7, tất cả các Hội đồng thi trong cả nước đã hoàn thành việc chấm thi, công bố kết quả thi.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 7Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia 2018. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Vụ trao nhầm con tại Ba Vì, Hà Nội
Gần đây, sự việc trao nhầm trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì xảy ra năm 2012 nhưng đến nay các gia đình nuôi trẻ mới phát hiện và kiến nghị lên các cơ quan chức năng đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người.

Theo báo cáo của bệnh viện, nhận được thông tin về việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì năm 2012 từ ngày 23/3/2018, bệnh viện đã tiến hành điều tra hồ sơ bệnh án, sổ ghi chép thông tin của kíp trực để xác minh sự việc.

Tại thời điểm ngày 1/11/2012, bệnh viện đã tiếp đón 2 sản phụ là chị Phùng Thị Thu Hiền, sinh năm 1989 (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội), vào viện 22 giờ 30 phút ngày 31/10/2012, chuyển dạ đẻ thường lúc 7 giờ 10 phút ngày 1/11/2012, chị Hiền sinh cháu trai nặng 3100 gram, con chị Hiền đang nuôi tên là Phùng Thanh H.

Sản phụ thứ hai là chị Vũ Thị Hương, sinh năm 1983 (ở thôn Phú Mỹ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào viện 16 giờ ngày 31/10/2012, chuyển dạ đẻ thường lúc 6 giờ 50 phút ngày 1/11/2012, chị Hương sinh cháu trai nặng 3800 gram, con chị Hương đang nuôi tên là Đoàn Nhật M.

Qua kết quả giám định ADN (theo công văn của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát trả lời anh Phùng Giang Sơn), chị Phùng Thị Thu Hiền là mẹ đẻ của Đoàn Nhật M với xác suất 99,99%, anh Phùng Giang Sơn (chồng chị Hiền) là cha đẻ của Đoàn Nhật M với xác suất 99,99%, chị Vũ Thị Hương là mẹ đẻ của Phùng Thanh H với xác suất 99,99%.

Trước vụ việc trên, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn ngày 9/7/2018 chỉ đạo Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì báo cáo làm rõ sự việc và xử lý vi phạm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình 2 cháu để giải quyết sự việc.

Bệnh viện đã nhận trách nhiệm sai sót và đã họp hội đồng chuyên môn, tiến hành kỷ luật kíp trực gồm y sỹ Vũ Thị Thanh Mai thôi không tham gia trực chuyên môn, không đỡ đẻ, không tắm bé và chăm sóc sơ sinh, quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách, quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách trong Đảng.

Hộ sinh Nguyễn Thị Đức, thôi không tham gia trực chuyên môn, không đỡ đẻ, không tắm bé và chăm sóc sơ sinh, quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Bác sỹ Ngô Hồng Quảng yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc đôn đốc các thành viên kíp trực thực hiện đúng quy chế chuyên môn.

Đồng thời, bệnh viện đã rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện, đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác có liên quan để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh như thực hiện nghiêm túc việc đánh số mẹ, con ngay sau khi trẻ được sinh ra, khi trao trẻ cho người nhà phải hỏi rõ quan hệ và có xác nhận của sản phụ, có ký nhận vào sổ giao nhận trẻ...

Bệnh viện chịu toàn bộ chi phí đi lại, làm xét nghiệm ADN và một số chi phí khác liên quan đến việc giám định AND và theo đề xuất của anh Phùng Giang Sơn, bệnh viện đã thanh toán là 47.551.000 đồng.

Bệnh viện đã gặp 2 bên gia đình nhận khuyết điểm, lắng nghe nguyện vọng, tìm hiểu và hòa giải để 2 cháu sớm được đoàn tụ với bố mẹ đẻ.

Tuy nhiên, do trong quá trình hòa giải với 2 bên gia đình, có nhiều điểm chưa thống nhất trong đó có việc đề nghị mức bồi thường tổn thất quá cao, vượt quá khả năng của đơn vị nên bệnh viện đã có công văn gửi Tòa án nhân dân huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 8(Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN)
Tháo dỡ xong công trình trái phép trên núi Cái Hạ thuộc Tràng An cổ
Ngày 11/7, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho biết Công ty cổ phần du lịch Tràng An đã hoàn thành việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, thuộc quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

Việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép kéo dài hơn 3 tháng, sau 3 lần cam kết và gia hạn thêm thời gian tháo dỡ toàn bộ công trình do nhiều lý do khách quan, trong đó phải kể đến vị trí tháo dỡ cheo leo, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng tới sức khỏe, thời gian làm việc của công nhân.

Sau khi tháo dỡ các hạng mục của công trình, công ty này đã trồng cây xanh che phủ nhằm trả lại hiện trạng ban đầu của núi Cái Hạ.

Sự kiện trong nước 9-15/7: Robot Sophia đến Việt Nam ảnh 9Công trình trái phép trên núi Cái Hạ. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục