Sự kiện tuần: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức

Quốc hội quyết định nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 6,7% năm nay là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Quốc hội quyết định nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 6,7% năm nay là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 28/3-3/4:

Quốc hội quyết định nhân sự Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước
Trong tuần, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XII, ngày 30/3, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia với ông Nguyễn Sinh Hùng.

Ngày 31/3, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới. Người được đề cử vào chức danh Chủ tịch nước thay thế ông Trương Tấn Sang là ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, ông Trần Đại Quang đã trúng cử chức vụ Chủ tịch nước.

Ngày 1-4, Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 1Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia khóa XIII. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2016 ước đạt 1,36 tỷ đôla Mỹ (USD), tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Dù có sự tăng trưởng, song theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam đang có quá nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phục hồi trong thời điểm hiện nay.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm.

Đã có khoảng hơn 2.000ha thuộc vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến bị thiệt hại. Tình trạng này cũng đã khiến các hộ sản xuất không dám thả nuôi theo lịch mà chỉ thả nuôi ở mức độ thăm dò.

Tính đến hết tháng 2/2016, diện tích nuôi tôm nước lợ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 368.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 358.000 ha, chỉ bằng 86,6% so với cùng kỳ 2015; diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 9.700 ha, bằng 72,5% so với cùng kỳ 2015. Hầu hết các địa phương có diện tích thả giống ít hơn so với cùng kỳ năm 2015 và chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch.

Với tình hình này, Tổng cục Thủy sản dự báo sản lượng tôm sẽ đạt thấp tương ứng với diện tích thiếu hụt và có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu trong những tháng tiếp theo.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá, xã Bình Thành, Thanh Bình, Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc "siết" cho vay ngoại tệ
Trong những ngày qua, đang có nhiều ý kiến khác nhau về những quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang “siết” lại các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại từ sau 31/3/2016.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, đối với Thông tư 24, trong 4 nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì chỉ một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31/3/2016, đó là với trường hợp doanh nghiệp chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ.

Trước đây có quy định cho vay ngoại tệ là vì trong giai đoạn trước khi nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước quy định nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ qua đó họ sẽ được hưởng mức lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ sau đó họ bán lại cho ngân hàng cho vay để lấy tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước.

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt. Cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đôla hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc "siết" cho vay ngoại tệ

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng được dẫn dắt bởi khối FDI
Phát biểu tại buổi họp báo công bố báo cáo triển vọng tăng trưởng ở châu Á năm 2016 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội ngày 30/3, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ theo chiều hướng tích cực trong năm nay.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 6,7% trong năm 2016 sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017.

Ông Eric Sidgwick cho rằng, trong giai đoạn này, tăng trưởng tại Việt Nam tiếp tục được dẫn dắt bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài cao (FDI), tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao, nên tiểu ngành chế tác tăng trưởng nhanh với tốc độ 10,6%, xây dựng tăng 10,8% thông qua đầu tư nước ngoài vào khu vực sản xuất, sự phục hồi của thị trường bất động sản và gia tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Giải ngân FDI tăng đáng kể trong một thập niên vừa qua, với tốc độ 17% và đạt mức 14,5 tỷ USD trong năm 2015.

Theo Giám đốc ADB, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập một loạt hiệp định thương mại tự do mới. Khi đi vào thực hiện, các hiệp định này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và thương mại mới cho Việt Nam.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng được dẫn dắt bởi khối FDI

Hơn 90% số doanh nghiệp bị "đào thải" thuộc quy mô nhỏ
Trong tháng Ba, cả nước có 9.863 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 72,9 nghìn tỷ đồng, tăng 76,6% về số doanh nghiệp và tăng 35,7% về số vốn đăng ký so với tháng Hai.

Theo Báo cáo Tình hình Kinh tế-Xã hội quý 1 của Tổng cục Thống kê, trong tháng, cả nước có 1.960 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 22,9% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động lên tới 3.881, giảm 3,3% (bao gồm: 895 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 2.986 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký).

Như vậy quý 1, cả nước đã có 23.767 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 186 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Cùng với đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý là 9.376 doanh nghiệp, tăng 84,1% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 1 là 2.919 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93%.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hơn 90% số doanh nghiệp bị "đào thải" thuộc quy mô nhỏ

Toàn bộ 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn
Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Tất cả 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn.

Đó là những số liệu được công bố trong buổi họp báo nhân kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 vừa diễn ra sáng 31/3 tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Số bom mìn chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.

Tại buổi họp báo, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tai nạn chủ yếu xảy ra do người dân và trẻ em không có hiểu biết về xử lý về vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ. Đặc biệt, việc dò tìm lén lút phế liệu từ bom mìn cũng là một phần nguyên nhân chính làm tăng số lượng người tử vong và thương tích. Thống kê cho thấy tai nạn do thu nhặt kim loại phế liệu chiếm tới 34%; do canh tác, chăn thả chiếm 27%; do đùa nghịch với vật liệu chiếm 21%...

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 6Hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Xem thêm: Toàn bộ 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn

Bộ Y tế: Nâng mức phòng bệnh Zika lên cấp độ đã có ca bệnh
Hiện nay, công tác phòng chống dịch do virus Zika được Bộ Y tế duy trì ở cấp độ 2 (coi như đã có ca bệnh) trên toàn quốc.

Thông tin trên được đại diện Bộ Y tế đưa ra trong cuộc họp trực tuyến ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Zika, do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo vào chiều tối 30/3, tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã bác bỏ thông tin Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với virus Zika ở Khánh Hòa.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ ca bệnh nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên, để tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Zika, cần nâng mức cảnh báo lên cấp độ 2 (coi như đã có ca bệnh).

Lý giải việc nâng mức cảnh báo này, bà Tiến phân tích, xung quanh trong khu vực châu Á và vùng Đông Nam Á có nhiều nước đã ghi nhận sự lưu hành ca bệnh do virus Zika, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Thái Lan… đã có ca bệnh. Vì thế, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Việt Nam cũng là nước có điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, góp phần ảnh hưởng đến nguy cơ xâm nhập và lây truyền bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều người đi từ vùng dịch (không chỉ là người Việt về nước, mà còn là du khách nước ngoài đi từ vùng dịch về, rồi tới Việt Nam)... Ngoài ra, ở Việt Nam hiện có sự lưu hành của muỗi vằn - loại muỗi truyền cả bệnh sốt xuất huyết Degue và bệnh do virus Zika.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 7Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay. (Ảnh: TTXVN)

Xem thêm: Bộ Y tế: Nâng mức phòng bệnh Zika lên cấp độ đã có ca bệnh

Quyết định gia hạn giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi các quy định về thời hạn giải ngân gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ theo hướng gia hạn tiếp tục thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đến 10/3, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân 21.321 tỷ đồng (đạt 71,07%).

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến ngày 10/3, đa số các khoản hỗ trợ đối với khách hàng cá nhân là các khoản hỗ trợ mua nhà ở thương mại (chiếm 67,46% doanh số cho vay đối với khách hàng cá nhân để thuê hoặc sở hữu nhà ở, các khoản hỗ trợ nhà ở xã hội chỉ chiếm 32,54%).

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 1/6 (thời điểm kết thúc chương trình cho vay), tỷ lệ giải ngân dự kiến sẽ đạt từ 90-100% số tiền đã cam kết.

Chương trình tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP trong thời gian qua đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho các cá nhân, hộ gia đình cải thiện về chỗ ở. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ này là cần thiết.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 8Khu nhà ở xã hội đầu tiên ở thành phố Hòa Bình. (Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Quyết định gia hạn giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Cần đưa rối loạn tự kỷ vào danh mục xác định khuyết tật
Cùng với xu hướng chung của thế giới, tỷ lệ tự kỷ ở Việt Nam trong thập kỷ gần đây gia tăng rõ rệt, trở nên một thách thức lớn với nhiều cơ quan chức năng trong đó có y tế.

Tuy nhiên sự quan tâm tới hội chứng này từ mọi góc độ tại Việt Nam hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên. Vì vậy có nhiều việc cấp thiết, mang tính nền tảng, cần được triển khai thực hiện, nhằm cải thiện hiện trạng liên quan đến người tự kỷ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuôc sống, nâng tầm giá trị của bản thân người tự kỷ và gia đình có người tự kỷ.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Tự kỷ ở Việt Nam: Hiện trạng và thách thức” diễn ra ở Hà Nội vào chiều 1/4.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Hội chứng tự kỷ đã được nhiều nước trên thế giới công nhận là một dạng khuyết tật rối loạn phát triển sẽ làm cơ sở để xây dựng các chính sách trong mọi lĩnh vực liên quan. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức năng tại Việt Nam rất cần bổ sung đối tượng này vào Điều 9 của Luật Người Khuyết tật để có được sự chỉ đạo thống nhất mang tính chiến lược thống nhất ở tầm quốc gia.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 9Dạy học cho trẻ tự kỷ. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Xem thêm: Cần đưa rối loạn tự kỷ vào danh mục xác định khuyết tật

Nước ngọt sẽ xuất hiện dồi dào tại ĐBSCL từ ngày 12 đến 25/4
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết trong tháng 4 các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phạm vi cách biển 25-40km sẽ có nước ngọt khi thủy triều xuống thấp.

Để tận dụng nguồn nước ngọt này, các địa phương tại đây tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt. Trong đó đặc biệt chú ý mở các cống ở hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít… để bơm khi nước ngọt xuất hiện lúc mực nước vừa và thấp. Nhưng lưu ý khi lấy nước, cần phải kiểm tra độ mặn của nguồn cấp.

Cụ thể​, trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn biến động chậm, phía trên Tân An có thể lấy nước lúc triều thấp, nước ngọt có khả năng kéo dài đến cuối tháng 4.

Trên sông Vàm Cỏ Đông tại Bến Lức khó có nước ngọt cho đến tháng 4, nhưng phía trên Bến Lức từ 15-20km có thể xuất hiện nước ngọt.

Vùng cửa sông Cửu Long từ nay đến 11/4 độ mặn tăng chậm đến vừa, phạm vi cách biển từ 30-45km có nước ngọt khi thủy triều thấp.

Từ 12 đến 25/4 độ mặn giảm nhanh, nguồn ngọt xuất hiện khá dồi dào. Sau thời kỳ này độ mặn có khả năng biến đổi phức tạp và có khả năng tăng mạnh trong tháng 5.

Sự kiện tuần 28/3-3/4: Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhậm chức ảnh 10Bơm nước chống hạn cứu lúa tại Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Xem thêm: Nước ngọt sẽ xuất hiện dồi dào tại ĐBSCL từ ngày 12 đến 25/4

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục