Năm 2020 vừa qua được xem là năm khủng hoảng đối với hệ thống y tế do sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Đại dịch COVID-19 còn khiến nhiều sự kiện thể thao quốc tế, gồm cả Thế vận hội (Olympic) tại Tokyo phải hủy bỏ, trong khi hoạt động đi lại, du lịch bị sụt giảm chưa từng có.
Tuy nhiên, theo hãng tin Sputnik của Nga, lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh doanh trực tuyến lại đứng vững và thành công trong năm 2020 đầy khó khăn vừa qua.
Theo Sputnik, các dịch vụ trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch, mang lại cuộc sống quen thuộc cho người dùng mạng Internet.
Ở nhiều quốc gia, khi việc ra khỏi căn hộ của mình không chỉ được coi là hành động nguy hiểm mà còn bị cấm hoàn toàn, thì mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến đã làm mọi điều có thể để cuộc sống của người dùng Internet trở nên thuận tiện và thú vị hơn.
Đại dịch còn buộc nhiều công ty, doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình làm việc sang làm việc từ xa. Nhờ đó, phần mềm hội nghị trực tuyến Zoom đã trở nên phổ biến. Đầu tháng 4/2020, Zoom đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và vốn hóa của nó đã vượt quá 50 tỷ USD.
Tuy vậy, phần mềm này vẫn có những lỗ hổng. Công suất của dịch vụ bị quả tải trong khi mức độ bảo mật hạn chế đã khiến dữ liệu của hàng nghìn người dùng bị rò rỉ trên mạng.
Các dịch vụ trực tuyến như thương mại, giao hàng và giao dịch cũng "ăn nên làm ra" trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Theo báo Financial Times, Tập đoàn Amazon của tỷ phú Jeff Bezos đã đứng đầu danh sách 100 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới năm 2020 và trở nên thịnh vượng hơn trong giai đoạn này. Vốn hóa của tập đoàn này tăng thêm 400 tỷ USD, lên mức 1.900 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, với tốc độ tăng trưởng như vậy, ông Bezos có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên vào năm 2026. Tương tự, vốn hóa của Tập đoàn Microsoft được bổ sung thêm 270 tỷ USD.
[Tầm ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ đối với hàng tỷ người dùng]
Đại dịch COVID-19 cũng đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực của cuộc sống chuyển sang hoạt động trực tuyến, đặc biệt là ngành giải trí. Do cách ly, các sự kiện trực tiếp bị cấm, hầu hết các nghệ sỹ và công ty đã tìm cách duy trì liên hệ với người hâm mộ của họ thông qua Internet.
Hòa nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến và đạt quy mô chưa từng có. Trong tháng 2/2020, DJ Marshmello đã tổ chức buổi hòa nhạc trực tuyến đầu tiên thu hút khoảng 10 triệu người theo dõi.
Nhóm nhạc đình đám BTS của Hàn Quốc cũng lập kỷ lục thế giới với 756.000 khán giả “có mặt” tại solo concert của nhóm. Trên thực tế, để tổ chức một buổi biểu diễn như vậy bên ngoài, phải cần khoảng 15 sân vận động mới đủ sức chứa số lượng khán giả này.
Sau buổi hòa nhạc, BTS đã quyên góp 1 triệu USD cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19.
Dịch vụ xem video trực tuyến cũng được hưởng lợi trong thời kỳ dịch bệnh này, trong đó phải kể đến Netflix. Thống kê cho thấy vào cuối quý đầu tiên, công ty Netflix đã đạt 183 triệu thuê bao trên toàn thế giới, tức là nhiều hơn 23% so với một năm trước đó.
TikTok được xem là ứng dụng nổi bật nhất trong năm đại dịch 2020. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, người dân không có điều kiện giao tiếp thông thường và phải ở nhà, thì TikTok tỏ ra rất hữu ích.
Các video ca nhạc ngắn 15 giây, được chọn lọc thông qua hệ thống đề xuất thông minh, thoạt đầu được giới trẻ yêu thích và quan tâm, sau đó lan truyền sang người lớn trên toàn thế giới.
Từ một ứng dụng vô danh của Trung Quốc, TikTok đã trở thành mạng xã hội hàng đầu thế giới, có khả năng thiết lập xu hướng và khiến mọi người trở nên nổi tiếng.
Cuối tháng 8/2020, TikTok đứng đầu về lượt tải xuống trên cả App Store và Google Play.
Theo dữ liệu do TikTok công bố lần đầu tiên trong vụ kiện chống chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu trong tháng 1/2018, có khoảng 55 triệu người dùng TikTok hoạt động mỗi tháng trên toàn thế giới, thì đến tháng 7/2020, con số này đã lên tới 700 triệu và đến tháng 8/2020, ứng dụng đã đạt 2 tỷ lượt tải trên toàn thế giới./.