Nắm bắt xu thế chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế số

Kinh tế số đã và đang trở thành một hướng đi mới rất nhiều tiềm năng cho kinh tế Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nhưng để nắm bắt được xu thế mới này, còn rất nhiều việc phải làm.
Nắm bắt xu thế chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế số ảnh 1Ảnh minh họa.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như quá trình chuyển đổi số đã tác động mạnh đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế số, qua đó từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành giải pháp quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế hiện nay.

Kinh tế số đã và đang trở thành một hướng đi mới rất nhiều tiềm năng cho kinh tế Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Để tận dụng và nắm bắt được xu thế mới này, còn rất nhiều việc phải làm. 

Bài 1: Nắm bắt xu thế mới

Nền kinh tế số Việt Nam đang từng bước được hình thành, nhất là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistics, tài chính ngân hàng... Trong bối cảnh đó, các yếu tố cấu thành từng bước được tăng cường, củng cố.

Từ hạ tầng

Các điều kiện nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam đang ngày càng được đầu tư, triển khai có hiệu quả. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, dữ liệu lớn, xác nhận điện tử, dịch vụ điện tử… ngày càng hoàn thiện, lớn mạnh.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, các chính sách về phát triển hạ tầng băng rộng của Việt Nam đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông, giảm các thủ tục hành chính trong cấp phép viễn thông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông phong phú, đa dạng dịch vụ.

Đến nay, hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc hơn 800.000km cáp quang, với tốc độ truy nhập cao đạt trên 27Mbps. Số thuê bao băng rộng cố định đạt hơn 13,58 triệu; trong đó, hơn 12 triệu thuê bao sử dụng cáp quang FTTx, tốc độ truy nhập hơn 10Mbps. Tổng băng thông quốc tế đạt hơn 8,1Tbps với 6 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế. Mạng di động phát triển, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7%.

Mạng di động 5G cũng đã được cấp phép thử nghiệm, khi triển khai sẽ là bước đột phá về tốc độ kết nối, là điều kiện quan trọng cho kết nối vạn vật trong kỷ nguyên số khi mà dự báo của WEF đến năm 2030, thế giới sẽ có 1.000 tỷ thiết bị được kết nối với nhau.

Có thể nói, việc Việt Nam triển khai mạng di động 5G thành công theo kế hoạch sẽ là tạo được một bước đi trước so với các quốc gia khác trong việc chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số.

Việc phát triển các cơ sở dữ liệu trong cả khu vực công và khu vực tư đã được chú trọng. Trên quy mô quốc gia, một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã hình thành và phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến như: cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, các cơ sở dữ liệu ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,...; trong khu vực doanh nghiệp, cùng với đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ số là sự phát triển, hình thành các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ khách hàng, kinh doanh.

[Chuyển đổi số: Giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh]

Trong lĩnh vực xác thực điện tử, hiện nay cả nước đã có 12 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp giúp thực hiện các giao dịch trên mạng thuận tiện, an toàn, đặc biệt, là giúp các doanh nghiệp sử dụng được các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, 4) của các cơ quan nhà nước, điển hình là các dịch vụ ngành thuế, hải quan, bảo hiểm.

Theo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế ITU năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia so với năm 2017 là 100, được xếp vào nhóm 1 trên 3 nhóm là nhóm có chỉ số cao.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 so với năm 2017 là 9/11, xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Về mặt điểm số trung bình, năm 2018 Việt Nam có điểm số là 0,693 so với năm 2017 là 0,245. Việt Nam có cải thiện đáng kể ở 2 chỉ số về hành lang pháp lý đạt 0,165/0,2 và hệ thống tổ chức về an toàn thông tin.

Về phát triển doanh nghiệp, thị trường an toàn, an ninh thông tin, đến hết năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho hơn 84 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin. Doanh thu thị trường năm 2018 đạt 1.200 tỷ đồng và đạt 2.400 tỷ đồng trong năm 2019 tăng trưởng 100%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề phát triển hạ tầng số và nền tảng số được đặc biệt quan tâm triển khai xây dựng trong nhiều năm qua.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu thành phố với ít nhất 2 trung tâm dữ liệu có năng lực tính toán cao và được kết nối đồng bộ để phục vụ các hệ thống thông tin của thành phố tin cậy, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc siêu hội tụ.

Thành phố cũng phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở và triển khai kho dữ liệu dùng chung. Việc này nhằm tạo kênh thông tin, chia sẻ tài nguyên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp sử dụng phục vụ cuộc sống, công việc, từ đó khuyến khích người dân tham gia giám sát, quản lý các hoạt động của chính quyền, xã hội.

Song song với đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP), nền tảng IoT, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng định danh điện tử...

Tận dụng thời cơ

Trong những năm qua, nhằm tạo cơ chế để tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung, kinh tế số nói riêng, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình liên quan cũng đã được ban hành, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho biết năng lực hoạch định chính sách của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước đã có những bước phát triển, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiệu quả của Nhà nước nhất là khi so sánh với các nước có trình độ phát triển, được phản ánh rõ qua thành tích tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức cao, giảm nghèo bền vững của Việt Nam.

Chỉ số quản trị toàn cầu của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO), năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Trong những năm qua, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp thu được nhiều kết quả đổi mới ở nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào, thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế số ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Cũng trong bảng xếp hạng này, Việt Nam xếp thứ nhất trong nhóm 29 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. So với năm 2019, Việt Nam có chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc.

Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhận thức rõ cơ hội này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này. Và ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Với tầm nhìn này, Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.