Thủ tướng: Sẽ khai thông vướng mắc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều ràng buộc và hạn chế gây trở ngại cho khởi nghiệp. Diễn đàn này sẽ lắng nghe, tháo gỡ cơ chế và các vấn đề liên quan khác cho các doanh nghiệp start-up.
Thủ tướng: Sẽ khai thông vướng mắc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành…thực hiện nghi thức 'Ra mắt mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam'. (Ảnh: TechFest)

Chiều 27/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với thanh niên khởi nghiệp: Làm thế nào để cùng đất nước vượt qua những thách thức, đặc biệt trước bối cảnh dịch COVID-19?

Phiên đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020 với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức" diễn ra tại Hà Nội.

[Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2020]

Cuộc đối thoại xoay quanh các vấn đề: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp - thực trạng và giải pháp hoàn thiện.

Trực tiếp điều hành phiên tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều ràng buộc và hạn chế gây trở ngại cho khởi nghiệp. Diễn đàn này sẽ lắng nghe, tháo gỡ cơ chế và các vấn đề liên quan khác.

Sẽ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Tại diễn đàn, anh Nguyễn Đức Trung, quỹ đầu tư VinaVenture dẫn ra những điểm hạn chế của Nghị định 38, quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể Điều 5 Nghị định 38 về giới hạn đầu tư dưới 50% vốn điều lệ là chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up. Anh Trung đặt câu hỏi Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo, định hướng gì để khai thông vấn đề này?

Thủ tướng: Sẽ khai thông vướng mắc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ảnh 2Các khách mời đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành tại diễn đàn. (Ảnh: TechFest)

Anh Phan Bá Mạnh, sáng lập Công ty công nghệ vận tải An Vui, chia sẻ câu chuyện cách đây 2 năm anh gọi vốn đầu tư, rất may mắn gọi vốn thành công. Nhưng nhiều start-up phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng "chảy máu" start-up. Anh Mạnh đặt câu hỏi là môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam hay chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới tạo được vốn?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên, nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn. Điều này đặt ra vấn đề quan trọng để làm sao "mở" cho các đổi mới sáng tạo này ở trong nước chứ không để tình trạng "chảy máu" ra nước ngoài. Thủ tướng cho rằng các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm trả lời, với tinh thần "mở ra chứ không trói vào," cần phải chỉ rõ nguyên nhân còn vướng mắc hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay Nghị định 38 hướng dẫn Luật Đầu tư cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, sau thời gian thực hiện, những quy định như không được hình thành pháp nhân, phải có 30 thành viên trong quỹ, tăng vốn phải tăng thêm dưới 50% vốn điều lệ… không phù hợp. Những lần tăng vốn sau không phải vượt 50% mà hàng mấy trăm phần trăm, phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Thủ tướng: Sẽ khai thông vướng mắc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ảnh 3Toàn cảnh diễn đàn TechFest 2020. (Ảnh: TechFest)

"Quy định này khá cứng, áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước và khi thực hiện tạo ra rào cản" - ông Tùng nhìn nhận sẽ nghiêm túc tiếp thu để bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến sửa đổi Nghị định này trong thời gian tới, giải quyết vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết sẽ chủ trì sửa đổi quy định này, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu hai bộ phải sửa đổi quy định sớm và bãi bỏ điều kiện, quy định không cần thiết. Công dân có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm, nên cần phải có quy định rõ ràng.

Giải bài toán thu hút nguồn nhân lực trong tương lai

Trước câu hỏi về chính sách thu hút du học sinh về khởi nghiệp, hay cách nào giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực trong thời kỳ dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Chính phủ là "hộ tiêu dùng" lớn của cả nước.

Hiện nay, Chính phủ ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ, mua sắm những giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, ưu tiên dùng hàng "Make in Vietnam".

"Nói đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đầu tiên là va chính sách. Việc chúng ta làm đều là việc mới, tức là chưa có thể chế. Việc đầu tiên Nhà nước làm là chuyển đối số cho các mô hình kinh doanh mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện Chính phủ đã có chủ trương về sandbox (cơ chế thử nghiệm chính sách mới), các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số hãy coi Bộ Thông tin và Truyền thông là "cơ chế một cửa" ra được sandbox, là đầu mối duy nhất cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng Hùng cũng cho biết Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trung tâm xây dựng chính sách cho công nghệ 4.0 cho các mô hình kinh doanh mới và sẽ chính thức vận hành vào năm 2021.

"Vì đổi mới sáng tạo, 'mỏ dầu' lớn nhất là tài nguyên dữ liệu, phải mở dữ liệu đó ra. Mới đây cổng dữ liệu đã khai trương, với 10.000 bộ dữ liệu, là tài nguyên, lượng 'dầu mỏ' lớn cho các bạn đổi mới sáng tạo," ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đứng ra đánh giá, công bố, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm trên trang web của mình.

Thủ tướng: Sẽ khai thông vướng mắc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ảnh 4Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại TechFest 2020. (Ảnh: TechFest)

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn đánh giá kể từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2019 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, với sự bùng nổ về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian làm việc chung, vườn ươm, chương trình tăng tốc và các cuộc thi dành riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, cùng với sự ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong chương trình nghị sự, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

"Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự lan tỏa rộng rãi tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, kích thích quyết tâm hành động của các chủ thể khởi sự kinh doanh trên nền tảng công nghệ trong cả nước," anh Tuấn nói.

Trên cơ sở đó, anh Tuấn cũng kỳ vọng Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2020 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chủ chốt gồm tiếp cận vốn, tài chính, chuyển đổi số, nguồn nhân lực và hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp./.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2018 trong chuỗi sự kiện Techfest Việt Nam do Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức. Diễn đàn đã đề xuất, kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành nhiều giải pháp đột phát cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục đối thoại với các nhà đầu tư, chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp về 4 nhóm vấn đề gồm: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao-Yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp-Thực trạng và giải pháp hoàn thiện.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục