Ngày 25/11 là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Canada đã tạo một clip ngắn chủ đề "Phải chấm dứt bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái. Bạn sẽ làm gì để giúp?"
VietnamPlus trân trọng giới thiệu đoạn video clip tuyên truyền lên tiếng trong chiến dịch 16 ngày hành động chống bạo lực giới. Từ ngày 25/11 đến ngày 10/12 là chiến dịch 16 ngày của Liên hợp quốc chống lại nạn bạo hành do kỳ thị giới tính. Đây là chiến dịch vận động chấm dứt nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một nghiên cứu của Tổ chức Y Tế Thế giới năm 2013 đã cho thấy 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời họ.
Tại Việt Nam, hiện nay việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ đang gặp nhiều thách thức. Số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời.
Đặc biệt, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Ngoài ra, trẻ em gái còn là nạn nhân bạo lực gia đình, đối tượng dễ bị buôn bán và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Trước thực trạng trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức phát động triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016 với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.” Năm nay là năm đầu tiên triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Tháng hàng động kéo dài từ ngày 15/11 đến 15/12. Tháng hành động vì bình đẳng giới sẽ có nhiều hoạt động nhằm huy động sự tham gia vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan tổ chức, mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái./.