Sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc xưa với biển rất mờ nhạt

Học giả của Việt Nam khẳng định Trung Quốc không phải là một đế chế biển và lịch sử Trung Quốc cũng chứng minh nước này chưa từng có ý định chiếm hữu lãnh thổ trên biển.
Sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc xưa với biển rất mờ nhạt ảnh 1Giáo sư Trần Ngọc Vương (trái) đã có 40 năm nghiên cứu về Trung Quốc. (Ảnh: P.M/Vietnam+)

Tại tọa đàm “Tham vọng độc chiếm Biển Đông” - một trong những điểm nhấn của Hội sách Hà Nội 2015 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương cho hay, lịch sử ghi nhận Trung Quốc chưa bao giờ là một đế chế về biển.

Có tới 40 năm nghiên cứu về Trung Quốc, Giáo sư Trần Ngọc Vương cho biết, có lãnh đạo Trung Quốc nói rằng Biển Đông là lãnh thổ của họ từ xa xưa. Thế nhưng, theo vị học giả này, Trung Quốc không phải là một đế chế biển, chưa bao giờ là cường quốc biển.

Khi lập quốc, Trung Quốc nằm ở trung lưu và một phần thượng lưu của sông Hoàng Hà. Con sông này sinh ra một vùng bình nguyên rộng rãi, trù phú bậc nhất thế giới, thuận lợi cho sự định cư và phát triển của cư dân. Ở phía hạ lưu sông Hoàng Hà bị chặn lại bởi sơn hệ và điều kiện tự nhiên ấy làm cho cư dân Trung Quốc chỉ sống tập trung vào khoảng giữa của sông. Chính sơn hệ đã làm cho sự phát triển ra phía biển của cư dân Trung Quốc cổ đại gần như bị hắt ngược lại…

Sau đó, Trung Quốc phát triển đến vùng sông Dương Tử. Con sông này cũng tạo ra bình nguyên thứ hai trên lãnh thổ Trung Quốc, cư dân ở đó, nhất là vùng hạ lưu sông Dương Tử chủ yếu là người Bách Việt… Như vậy, bản chất Trung Quốc là đế chế lục địa, gốc đồng bằng chứ không phải gốc duyên hải.

Bên cạnh đó, lịch sử Trung Quốc cũng chứng minh nước này chưa từng có ý định chiếm hữu lãnh thổ trên biển. Thực tế, chỉ có một giai đoạn ngắn Trung Quốc có những đội hải thuyền hoạt động trên biển quy mô lớn. Nhưng, vào năm 1438, Trung Quốc ra chính sách Hải Cấm, cấm tàu thuyền đi ra ngước ngoài và chính sách này kéo dài qua nhiều triều đại.

"Sự quan tâm của đế chế Trung Quốc với biển hết sức mờ nhạt,” ông Vương nói.

Nói về “đường lưỡi bò,” vị giáo sư này cho rằng cực nam của con đường phi lý này cách bờ biển Trung Quốc tới hàng nghìn hải lý. Và, không có công ước quốc tế nào cho phép các quốc gia thực hiện chủ quyền một cách phi lý như vậy.

Sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc xưa với biển rất mờ nhạt ảnh 2Trung Quốc tôn tạo, xây dựng trái phép tại bãi đá Gạc Ma. (Ảnh: KTS Đoàn Bắc)

​Tại tọa đàm, kiến trúc sư Đoàn Bắc, người từng có 5 lần ra Trường Sa trong 4 năm qua để thực hiện nhiều bộ ảnh tư liệu quý giá, tác giả của hai cuốn sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng” và “Đến với Trường Sa” (song ngữ Việt-Anh), đã đem đến một bộ Infograph giới thiệu cô đọng, dễ hiểu về tình hình Biển Đông cho người tham gia sự kiện. Cùng với đó là những bức ảnh về vùng bãi đá trước và sau khi bị Trung Quốc bồi đắp…

Trước đó, trong một trao đổi với phóng viên VietnamPlus, anh Bắc cho hay những diễn biến thực tế trên Biển Đông và những động thái của nhiều bên có liên quan đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng và tình hình căng thẳng sẽ khó có thể lắng dịu xuống.

Anh Bắc cũng khuyến nghị giới trẻ cần phải tiếp cận thông tin biển đảo một cách có lý trí. Ngoài ra, cần đoàn kết để đấu tranh hiệu quả, có phương pháp khoa học trên mọi mặt trận để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục