'Sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần làm nên thành công của EEF'

Theo chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk, trong một thập niên qua, Việt Nam đã góp phần thiết lập nhịp độ và phong cách làm việc của nhiều tổ chức quốc tế, thúc đẩy hợp tác trên phạm vi toàn cầu.
'Sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần làm nên thành công của EEF' ảnh 1Chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6 diễn ra từ ngày 2/9-4/9 tại Vladivostok, thủ phủ của Đại khu liên bang Viễn Đông, chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu đánh giá rằng Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn EEF trong nhiều năm qua và sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần mang lại thành công cho diễn đàn lần này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, chuyên gia về các vấn đề quốc tế Trofimchuk cho biết Diễn đàn EEF là sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mục đích chính của diễn đàn là thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa tất cả các nước có mong muốn khai thác tiềm năng to lớn của vùng Viễn Đông Nga, bởi Moskva “từ lâu đã muốn loại bỏ sự mất cân bằng giữa hướng Đông và hướng Tây bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ở châu Á.”

Theo chuyên gia Nga, nếu như Sa hoàng Pyotr Đại đế đã mở “cửa sổ” sang châu Âu, thì Diễn đàn EEF “đang mở rộng cánh cửa sang bán cầu Đông.”

EEF đã bổ sung một cách hữu cơ cho toàn bộ các tổ chức hội nhập ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như ASEAN, APEC... “đưa phương Đông và châu Á trở thành một khu vực kinh tế đáng tin cậy, bất chấp mọi cú sốc toàn cầu.”

[Diễn đàn Kinh tế phương Đông mở ra cơ hội mới cho vùng Viễn Đông]

Nói về sự tham gia của Việt Nam tại diễn đàn kinh tế thường niên này, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu cho rằng Việt Nam là một trong những thành viên tham gia tích cực nhất trong nhiều năm qua. Việt Nam thường xuyên đưa ra những sáng kiến, đề xuất đóng góp cho hoạt động chung của diễn đàn nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực rộng lớn ở Viễn Đông.

Theo ông Trofimchuk, trong một thập niên qua, Việt Nam đã góp phần thiết lập nhịp độ và phong cách làm việc của nhiều tổ chức quốc tế, thúc đẩy hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

Chuyên gia Nga nhận định: "Cần nhắc lại rằng chính Việt Nam đã mở rộng quy mô khu vực  thương mại tự do trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Vì vậy, chắc chắn rằng các đại diện của quốc gia Đông Nam Á này, nhất là các doanh nhân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, sẽ đóng góp vào thành công của Diễn đàn EEF lần thứ 6, nâng cao hơn nữa vị thế của diễn đàn.”

Năm nay, EEF lần thứ 6 sẽ được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, với chủ đề “Những cơ hội mới của Viễn Đông trong một thế giới đang thay đổi.”

Theo ban tổ chức, sẽ có khoảng 70 hoạt động được tổ chức trong chương trình nghị sự, bên cạnh các chương trình văn hoá, thể thao, giao lưu thanh niên... Trang thông tin của Diễn đàn EEF (https://forumvostok.ru/) thường xuyên cập nhật công tác chuẩn bị cũng như hoạt động của Diễn đàn bằng 6 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.