Sáng 29/5 (giờ Việt Nam), Liên hoan phim quốc tế Cannes 2022 đã khép lại sau 12 ngày tưng bừng và giàu cảm xúc tại Palais Lumière (miền Nam nước Pháp) với giải thưởng cao quý nhất - Cành cọ Vàng, được trao cho bộ phim "Triangle of Sadness" của đạo diễn người Thụy Điển Ruben Östlund.
Trong khi đó, điện ảnh châu Á cũng thăng hoa tại nhiều hạng mục quan trọng.
''Triangle of Sadness'' (tạm dịch: Tam giác buồn) là một tác phẩm châm biếm xã hội với nhiều chi tiết hài hước, nhưng cũng đầy cay nghiệt, do ''tứ trụ'' điện ảnh châu Âu - gồm Thụy Điển, Đức, Pháp và Anh, hợp tác sản xuất.
Bộ phim được đánh giá là một hiện tượng tại Cannes năm nay, đồng thời nhận được sự ủng hộ và quan tâm rất lớn từ giới phê bình.
Trên trang web tổng hợp đánh giá Rotten Tomatoes, phim đạt điểm trung bình 7,7/10, có 71% bài đánh giá tích cực.
Theo tạp chí Variety, phim ghi điểm nhờ diễn xuất duyên dáng của dàn diễn viên, các tình huống hài dày đặc, chọc cười khán giả từ đầu đến cuối.
Nhằm làm rõ những quan niệm về sắc đẹp và đặc quyền, ''Triangle of Sadness'' lấy bối cảnh một chiếc du thuyền sang trọng, nơi quy tụ nhiều người siêu giàu và những người mẫu. Tại đây, những tình huống khôi hài xảy ra khiến địa vị và vẻ hào nhoáng của họ tổn hại theo cách không ngờ tới, trong khi nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh lại được chứng minh là có kỹ năng sinh tồn tốt nhất và vị thế xã hội bất biến.
Ruben Östlund giải thích tên gọi của bộ phim xuất phát từ thuật ngữ mà các bác sĩ thẩm mỹ dùng để miêu tả các nếp nhăn xuất hiện giữa hai lông mày, có thể khắc phục bằng cách tiêm botox trong 15 phút. Đạo diễn 48 tuổi chia sẻ thông điệp mà bộ phim đưa ra là sự phê phán chủ nghĩa tư bản và sự thái quá của những người theo chủ nghĩa này. Đây cũng là lần thứ hai đạo diễn Ruben Östlund giành Cành cọ Vàng, sau ''The Square'' (2017).
Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã tiếp tục nối dài chuỗi thành công khi giành được hai giải thưởng quan trọng tại Cannes 2022 là ''Đạo diễn xuất sắc nhất'' và ''Nam diễn viên chính xuất sắc nhất".
Đạo diễn Park Chan-wook (58 tuổi) được vinh danh với tác phẩm ''Decision to Leave'' (tạm dịch: Quyết định rời đi), qua đó trở thành đạo diễn người Hàn Quốc thứ hai chiến thắng ở hạng mục ''Đạo diễn xuất sắc nhất'' tại Cannes, sau nhà làm phim nổi tiếng Im Kwon-taek với kiệt tác "Chihwaseon" vào năm 2002.
''Decision to Leave'' có sự tham gia của Hoa đán Trung Quốc Thang Duy và nam diễn viên Hàn Quốc Park Hae-il. Câu chuyện kể về một thám tử điều tra vụ một người đàn ông rơi xuống núi tử vong, nhưng công tác phá án gặp nhiều khó khăn khi anh vướng ''bẫy nhục dục'' của vợ nạn nhân - người bị tình nghi mưu sát chồng.
Những tình tiết vừa lãng mạn vừa gay cấn trong phim càng gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa với người xem, thông qua nhạc nền đầy mê hoặc, trong đó bao gồm cả ''Adagietto'' trong Bản giao hưởng số 5 của Gustav Mahler - giai điệu bất tử trong bộ phim "Death in Venice" năm 1971 của Luchino Visconti.
Giải thưởng cao quý dành cho Park Chan-wook - cũng ghi nhận sự tái xuất ấn tượng của ông sau khi đoạt ''Grand Prix'', giải thưởng cao thứ hai ở Liên hoan phim Cannes - năm 2004 với bộ phim ''Oldboy'' và ''Giải thưởng của Ban giám khảo'' - giải thưởng cao thứ ba ở Liên hoan phim Cannes - cho phim kinh dị "Thirst" năm 2009.
Đáng chú ý, ''Oldboy'' cũng chính là tác phẩm từng giúp đưa điện ảnh Hàn Quốc ra toàn cầu, nhiều năm trước khi ''Parasite'' gây tiếng vang với giải Cành cọ Vàng 2019 và Oscar 2020.
"Quốc bảo" của điện ảnh Hàn Quốc Song Kang-ho đã giành giải ''Nam diễn viên chính xuất sắc nhất'' với phim ''Broker'' (tạm dịch: Người môi giới), qua đó trở thành nam nghệ sỹ Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải ở hạng mục diễn xuất.
Trước đó, Jeon Do-yeon đã được trao giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" cho vai diễn trong bộ phim "Secret Sunshine" vào năm 2007 - một bộ phim mà Song Kang-ho vào vai nam chính.
[Phim "Triangle of Sadness" được trao giải Cành cọ Vàng]
Trong Broker, nam diễn viên 55 tuổi vào vai một người môi giới trẻ sơ sinh. Tạp chí điện ảnh Screen của Anh đánh giá ''Broker'' là "một góc nhìn nhạy cảm và nhân ái đối với môi trường dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi", trong khi trang IndieWire (Mỹ) gọi đây là "bộ phim gia đình phức tạp, với nhiều cung bậc buồn vui lẫn lộn."
Giải ''Nam diễn viên chính xuất sắc nhất'' là danh hiệu đầu tiên mà Song Kang-ho có được tại Liên hoan phim Cannes, mặc dù ông đã đóng vai chính trong một số phim đoạt giải Cannes, bao gồm "Parasite" của đạo diễn Bong Joon-ho (2019) và "Thirst" của đạo diễn Park Chan-wook (2009). Hồi năm ngoái, ông cũng là nam diễn viên Hàn Quốc đầu tiên đảm nhiệm vai trò giám khảo tại Liên hoan phim Cannes.
Giải thưởng ''Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất'' đã xướng tên diễn viên Zar Amir Ebrahimi (người Iran), nhập vai một nhà báo theo dõi kẻ giết người hàng loạt trong phim "Holy Spider" (sản phẩm hợp tác của điện ảnh Đan Mạch, Đức, Thụy Điển và Pháp). Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải, Zar Amir Ebrahimi xúc động cho biết cô mong rằng thành công này sẽ mang lại một thông điệp đặc biệt dành cho phụ nữ Iran, giúp họ vượt qua những định kiến xã hội để chinh phục những ước mơ.
Điện ảnh Trung Quốc cũng được tôn vinh với giải thưởng ''Cành cọ Vàng dành cho phim ngắn'' thuộc về ''The Water Murmurs'' của đạo diễn Chen Jianying. Phim có độ dài 15 phút với nội dung chính nói về sự gắn bó, liên kết của con người với môi trường sống.
Vượt lên nhiều tác phẩm tiêu biểu của các quốc gia khác, phim hoạt hình ''Spring Roll Dream'' (Giấc mơ gỏi cuốn) của đạo diễn trẻ Mai Vũ (Việt Nam) đã được trao giải ''Light on Women Award 2022'' tại Cannes năm nay. Đây là giải thưởng được sáng lập để khuyến khích các nữ đạo diễn theo đuổi khát vọng sáng tạo của mình.
Có nội dung xoay quanh một gia đình người Việt tại Mỹ, bộ phim hoạt hình dài 9 phút của đạo diễn Mai Vũ là câu chuyện về đề tài ẩm thực và khoảng cách thế hệ gia đình trong văn hóa Việt Nam. Với việc chiến thắng giải thưởng này, đạo diễn Mai Vũ đã góp phần khẳng định tiềm năng phát triển của hoạt hình Việt Nam.
Trước đó, điện ảnh Việt Nam từng có 3 bộ phim gây tiếng vang tại Liên hoan phim Cannes gồm ''Mùi đu đủ xanh'' của đạo diễn Trần Anh Hùng (đoạt giải Camera vàng dành cho phim đầu tay, năm 1993); ''Mùa hè chiều thẳng đứng'' (cũng của đạo diễn Trần Anh Hùng, năm 2000) và ''Bi, đừng sợ'' của đạo diễn Phan Đăng Di (đoạt 2 giải trong khuôn khổ Tuần lễ Phê bình Liên hoan phim Cannes 2010).
Một đại diện khác từ châu Á là ''All That Breathes'' - của nhà làm phim Ấn Độ Shaunak Sen, đã giành được "Golden Eye" - giải thưởng ''Phim tài liệu hàng đầu'' của Liên hoan phim Cannes 2022. Lấy bối cảnh ở thủ đô Delhi của Ấn Độ, ''All That Breathes'' theo chân hai anh em Nadeem và Saud cùng những cộng sự tìm cách cứu loài diều hâu đen khỏi sự đe dọa của con người.
Ban giám khảo của giải ''Golden Eye'' nhấn mạnh: ''Giải 'Golden Eye' được trao cho một bộ phim nhắc nhở loài người rằng mọi sự sống đều quan trọng, và những hành động dù nhỏ nhất cũng tạo ra thay đổi."
Tại hạng mục ''Un Certain Regard'' (Một góc nhìn khác), ''Giải thưởng của Ban giám khảo'' (Jury Prize) đã được trao cho ''Joyland'' - bộ phim Pakistan đầu tiên được công chiếu ở Cannes. Trong khi đó, giải thưởng cao nhất của hạng mục này - Prix Un Certain Regard, đã điền tên tác phẩm điện ảnh Pháp ''The Worst Ones'' do hai nữ đạo diễn Lise Akoka và Romane Gueret thực hiện. Đây là lần thứ hai liên tiếp một bộ phim có đạo diễn là phụ nữ được vinh danh cao nhất ở hạng mục này.
Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về ''Unclenching the Fists'', phim về đề tài tuổi mới lớn của nữ đạo diễn người Nga Kira Kovalenko...
Sau 2 mùa giải liên tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Liên hoan phim quốc tế Cannes 2022 đã thực sự trở lại với quy mô và sự trang trọng như vốn có tại thành phố duyên hải xinh đẹp cùng tên ở miền Nam nước Pháp.
Giới chuyên gia cùng có chung nhận định cuộc đua năm nay ''ít về số lượng tác phẩm tham gia, nhưng lại đạt chất lượng cao về chuyên môn'', do đó sự cạnh tranh càng khốc liệt và gay cấn hơn.
Trong bài phát biểu nhận giải, đạo diễn Park Chan-wook đã ca ngợi ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đã vượt qua đại dịch COVID-19 kéo dài nhiều năm. Ông cho biết: "Người hâm mộ không đến rạp chiếu phim, nhưng đó là thời điểm chúng ta nhận thức được giá trị của điện ảnh. Khi chúng ta có hy vọng và sức mạnh để vượt qua đại dịch này, tôi tin rằng điện ảnh của chúng ta sẽ giữ được các rạp chiếu phim và nghệ thuật tốt đẹp."
Với những gì vừa diễn ra, Liên hoan phim Cannes 2022 chính là minh chứng rõ rệt về sức sống mãnh liệt của bộ môn nghệ thuật thứ 7 này./.