Sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp phù hợp quyền và lợi ích của công dân

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẩm tra và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp phù hợp quyền và lợi ích của công dân ảnh 1 Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 6, ngày 2/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẩm tra và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong 6 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện vai trò quan trọng của phiếu lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Tuy nhiên, công tác lý lịch tư pháp có nhiều hạn chế như chưa phản ánh được những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013; quy định liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế; chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; việc cấp phiếu lý lịch số 2 (thể hiện cả những án tích đã được xóa) bị lạm dụng…

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch số 2 (gọi tắt là phiếu số 2) hiện nay đang bị lạm dụng và từ năm 2012 đến nay, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu số 2 ngày càng gia tăng. Để tránh tình trạng này, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, dự án Luật bỏ quy định về cấp phiếu số 2 của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu lý lịch tư pháp số 2 được các đại biểu đặc biệt quan tâm, bởi phải vừa đảm bảo bí mật đời tư cá nhân nhưng cũng phải đảm bảo những điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của công dân.

Qua nghiên cứu xem xét, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng dự án Luật chưa có đánh giá tác động của việc bỏ cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Thực tế hiện nay, đánh giá của Chính phủ cho thấy nhu cầu cấp phiếu số 2 của cá nhân ngày một tăng để phục vụ mục đích xin thị thực nhập cảnh, định cư, kết hôn, xuất khẩu lao động, xin việc làm… theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Công Hồng, nếu dự án Luật bỏ quy định về cấp phiếu số 2 có thể gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính công dân Việt Nam. Chỉ có số lượng rất nhỏ các trường hợp trong số các đối tượng xin cấp phiếu số 2 đã từng có án tích, nên không thể vì bảo đảm bí mật của đối tượng này mà ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác. Do vậy, ưu nhược điểm của việc loại bỏ phiếu số 2 cần được đánh giá đa chiều.

Không chỉ đề xuất giữ lại việc cấp phiếu số 2, nhiều đại biểu chủ trương cần có thêm nhiều loại phiếu lý lịch tư pháp với các cấp độ khác nhau phù hợp với nhu cầu, yêu cầu thực tế.

Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, nếu bây giờ chúng ta chưa thực hiện được có nhiều phiếu lý lịch tư pháp thì có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cho phù hợp. Do đó, trước mắt không đồng ý bỏ phiếu lý lịch tư pháp số 2; đồng thời, Luật cần quy định rõ cơ quan, tổ chức nào được yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 và chứng minh dùng để làm gì, quy định chế tài thật nghiêm nếu để lộ thông tin của cá nhân...

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng dự án Luật nêu bỏ cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 và bổ sung bằng “thông tin lý lịch tư pháp” thì cần phải quy định rõ ràng, vì đây chỉ là tên gọi, nên các tổ chức vẫn có thể yêu cầu như hiện nay. Lý lịch tư pháp là quyền được biết của công dân vì nó gắn suốt cuộc đời họ.

Ngoài ra, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Đã là cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng hiện chưa thấy sự đồng bộ, kết nối giữa các địa phương.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng đánh giá, việc các tổ chức nước ngoài yêu cầu lý lịch tư pháp cũng cần được xem xét một cách hợp lý. Bởi nếu họ hoạt động tại Việt Nam thì phải theo quy định pháp luật của mình, nhưng nếu công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập cần phải theo quy định pháp luật nước sở tại và yêu cầu của tổ chức đó. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc xóa án tích để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Phát biểu kết luận, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, các hồ sơ của Ban soạn thảo cơ bản đầy đủ, nhưng vẫn còn một số điểm các thành viên Ủy ban Tư pháp băn khoăn. Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động đầy đủ, cụ thể của dự thảo Luật đối với công dân, từng trường hợp cụ thể đối với những đối tượng đi xuất cảnh, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, học tập...; qua đó cân nhắc việc dự thảo bỏ cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2. Ngoài ra, cần xem xét ý kiến bổ sung thêm lý lịch tư pháp đối với pháp nhân để đảm bảo tính kế thừa, lâu dài của luật.

Sau hai ngày làm việc, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Sầm Sơn và tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về thành lập Tòa án Nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán các Tòa án Nhân dân; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về Đề án vị trí việc làm của Viện Kiểm sát Nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục