Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành cả ngày 24/5 để thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày trước Quốc hội đã giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn của Bộ luật liên quan tới phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra đã cùng với các cơ quan liên quan thực hiện nhiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu đầy đủ, khách quan các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, rà soát giải trình cụ thể, chi tiết các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Liên quan tới phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án:
Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên...
Qua phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội có những quan điểm khác nhau về nội dung này.
Nêu quan điểm của mình về việc nên hay không nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá những thay đổi của Bộ luật Hình sự 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em.
Đại biểu dẫn chứng theo số liệu thống kê, trong 3 năm từ 2014-2016, trong phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về Tội cố ý gây thương tích; trung bình mỗi năm ở mỗi địa phương chỉ có một em ở độ tuổi này gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Cả nước chỉ có chín em bị truy tố về Tội hiếp dâm và hai em bị truy cứu về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 2015 lại mở rộng phạm vi xử lý đối với các em, đây là vấn đề cần được cân nhắc.
Đại biểu phân tích đối với vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây bức xúc hầu như không thuộc độ tuổi này mà thuộc từ 16 đến dưới 18 tuổi, đơn cử như vụ án Lê Văn Luyện (Bắc Giang) kém hai tháng tròn 18 tuổi.
Về nguyên nhân, đại biểu Thủy nêu chủ yếu các em phạm tội do chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình (10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ ly hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng; nhiều em ở vào hoàn cảnh cả bố và mẹ đều nghiện ma túy và có tiền án, tiền sự...)
Đứng trước tình hình trẻ em phạm tội, đại biểu có quan điểm phải tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội đối với lớp người đang trưởng thành này, "xử lý như Bộ luật Hình sự 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Độ tuổi 14 đến dưới 16 diễn ra nhiều nhất thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ, hạn chế pháp luật... Tại phiên tòa, nhiều em nói, nếu cháu biết đây là phạm tội thì cháu sẽ không bao giờ làm," đại biểu dẫn chứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu quan điểm Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em đối với ba tội danh trên là không có sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội. Người lớn trưởng thành có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% bắt đầu bị xử lý hình sự; trẻ em suy nghĩ thiếu chín chắn, có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% trở lên cũng phải bị xử lý trách nhiệm hình sự như người lớn là không phù hợp với thông lệ thế giới. Quan điểm cá nhân của đại biểu Thủy là với những cháu đang ở độ tuổi này thì chỉ xử lý hình sự khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay.
Nhìn nhận vấn đề này ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) ủng hộ Phương án 1 trong dự thảo Bộ luật. Thực tế, thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ thì vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại... cần phải được xử lý nghiêm.
Theo đại biểu, đã là pháp luật thì phải nghiêm, và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng tốt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế được tính trạng tái phạm sau khi thi hành án.
[Thứ trưởng Bộ Công Thương: Rất ít người bán hàng đa cấp là nạn nhân]
Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục, hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả, nhiều trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này. Như vậy, đây không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội, đại biểu nêu rõ.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 về vấn đề này, đã có 266/397 (chiếm tỷ lệ 67%) đại biểu Quốc hội tán thành quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 loại tội danh nêu trên. Vì vậy, theo đại biểu Phúc cần phải ghi nhận kết quả và tôn trọng ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) thấy rằng Phương án 1 của dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự với người chưa thành niên phạm tội, đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Phương án 2 phù hợp với chính sách hình sự vì đã thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính thấy rằng phương án này lại chưa lý giải được tại sao chọn những tội này mà không chọn tội khác, trong khi đó có những tội có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn như người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản, nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố, nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Luật cũng không quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, dễ bị người khác lợi dụng để thực hiện tội phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đại biểu phân tích.
Trước những quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nếu đa số chọn phương án nào thì dự thảo sẽ lựa chọn theo phương án đó.
Ý kiến khác nhau về xử lý hình sự vi phạm kinh doanh đa cấp
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.
Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
"Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp," Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng chưa rõ cơ sở để bổ sung quy định trên và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa rõ ràng về nguyên nhân và cách xử lý.
Đại biểu nêu: “Bộ Luật Hình sự đã bỏ Tội kinh doanh trái phép vì nó không phù hợp tình hình thực tế khi người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay có thêm có Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp," đại biểu nêu.
Theo đại biểu Xuyền, với thiết kế như dự thảo thì chưa chắc xử lý được vì các doanh nghiệp này đều được cấp phép đăng ký kinh doanh đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt cao nhất chỉ 5 năm tù là nhẹ hơn rất nhiều so với với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt lên đến 20 năm và chung thân.
“Bổ sung tội mới có thể tạo khe hở là nơi “trốn” để đối tượng không bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản," đại biểu Bùi Văn Xuyền lo ngại.
[Giám sát chặt chẽ quá trình thanh lý hợp đồng của Thiên Ngọc Minh Uy]
Nêu quan điểm khác, đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (Hòa Bình) thấy rằng kinh doanh đa cấp trá hình thời gian qua diễn ra với thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý hám lợi, lợi dụng khe hở pháp luật để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tiễn cho thấy tình hình diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nên bổ sung tội trên vào luật là cần thiết.
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Thủy, cần thiết kế xử lý nghiêm người đứng đầu tổ chức vì kinh doanh đa cấp có nhiều tầng nấc, "việc kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tổ chức, đứng đầu, người đứng ra thiết lập mạng lưới tổ chức hoạt động kinh doanh, tất cả những người tham gia bán hàng đa cấp đều ký hợp đồng với người tổ chức và doanh thu từ bán hàng đa cấp đều gửi về cho người tổ chức. Do vậy, cần xử nghiêm người cầm đầu tổ chức, còn nếu quy định xử lý người tham gia phạm vi sẽ rất rộng và phức tạp," đại biểu nêu.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận nội dung này tại Hội trường./.